Doanh nghiệp với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp

Tại Hội nghị với chủ đề: "Doanh nghiệp với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp", các tham luận cho rằng cần thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.

Ngày 31/1 vừa qua, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn thể Nhóm đốc tác công – tư với chủ đề: "Doanh nghiệp với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp".

hoi-thao-nong-nghiep-xanh-01-1706748245.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị với chủ đề: "Doanh nghiệp với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp".

Đề án FIHV kỳ vọng phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững

Trong bối cảnh an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng đang đối mặt với nhiều thách thức, hệ thống lương thực, thực phẩm cần phải đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết; từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.

Tháng 12/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV). Đề án được thực hiện sẽ góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối với hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu theo hướng “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, Đồng Chủ trì PSAV, đại diện khối công cho biết, Bộ NN-PTNT đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào chuỗi sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông lâm thủy sản tại Việt Nam.

“Có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và trung tâm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân. Doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường”, Thứ trưởng đánh giá.

Để triển khai hiệu quả FIHV, Bộ NN-PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là những đơn vị có kinh nghiệm và chuyên môn về đổi mới sáng tạo.

hoi-thao-nong-nghiep-xanh-02-1706748279.jpg
Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. (Ảnh minh họa)

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam là một trong ba nước đầu tiên trên thế giới được WEF lựa chọn làm thí điểm Mạng lưới FIH. Mục tiêu cụ thể của FIH là phát triển được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm bằng cách huy động chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế liên kết với các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, đề án còn hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm Việt Nam, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần đưa tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của nông dân và doanh nghiệp nông thôn đến năm 2030 tăng từ 2-3 lần so với năm 2020.

Thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư vì một nền nông nghiệp xanh

Trong khuôn khổ Hội nghị, các tham luận cùng nhau chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư vì "một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường" góp phần đưa Việt Nam thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm hàng đầu tại khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản, hướng tới những "giá trị xanh" để tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao, dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng, kết nối với chuỗi lương thực thực phẩm toàn cầu.

Thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, đi liền với việc "tri thức" hóa người nông dân. Bộ NN&PTNT đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào chuỗi sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông lâm thủy sản tại Việt Nam.

hoi-thao-nong-nghiep-xanh-03-1706748313.jpg
Hệ thống lương thực thực phẩm cần phải đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh: "Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và là trung tâm là trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường. Để triển khai hiệu quả Đề án "Mạng lưới đối mới Sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam", Bộ NN&PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là những đơn vị có kinh nghiệm và chuyên môn về đổi mới sáng tạo".

Các đại biểu cho rằng, thiên tai, dịch bệnh, xung đột địa chính trị đã và đang gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế, an sinh xã hội ở quy mô toàn cầu. Kể từ thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, đến nay, thế giới đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường trong lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế hiện đại. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn; sản xuất lương thực, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt cuộc sống của những người nghèo, những đối tượng yếu thế, những người dễ bị tổn thương… đang gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang là những thách thức lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho 7,9 tỷ dân trên toàn thế giới.

Để giải quyết các vấn đề này, hệ thống lương thực thực phẩm cần phải đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.

Đại diện các đối tác trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, bà Beverley Postma, Giám đốc Điều hành Tổ chức Tăng trưởng Châu Á cho biết, với mạng lưới kết nối với 600 đối tác ở nhiều quốc gia trong đó có nhiều tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức Tăng trưởng Châu Á cùng với nguồn quỹ hỗ trợ cho các hoạt động và những tác nhân tham gia chuỗi giá trị trong nông nghiệp sẽ góp phần đảm bảo hành động của các quốc gia trong phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Bà Beverley Postma nhấn mạnh: "Muốn giải quyết những thách thức này trong thời gian tới cần có sự chuyển đổi mang tính cấp bách. Nguồn quỹ của chúng tôi đóng vai trò như là những cơ chế mang tính kết nối giữa khối công – tư. Chúng tôi đang hợp tác với nhiều đối tác khác tại Bộ NN&PTNT để có thể triển khai những quỹ này một cách chiến lược và xác định những ưu tiên cấp bách cần cung cấp cho người nông dân. Chúng tôi rất tự hào hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT trong hành trình của mình hướng tới nền nông nghiệp minh bạch cũng như một hệ thống thực phẩm bền vững hơn"./.

Trọng Bình