Xu hướng chuyển từ "nâu" sang "xanh"
Trong bối cảnh ngành năng lượng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ để sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết.
Tại tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát huy nội lực, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao.
Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã phát triển theo hướng bền vững hơn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Công nghiệp khai khoáng và phát triển năng lượng của tỉnh không chỉ bảo đảm nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh mà còn đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và duy trì đà tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới và nhiều doanh nghiệp mong muốn có cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một sự kết hợp tối ưu, vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các hoạt động của chuyển đổi xanh gồm chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi xanh chia sẻ, đầu tư công nghệ năng lượng trước hết là để tiết kiệm chi phí, do đó, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tiết kiệm từ những hành động nhỏ nhất. Năng lượng là chi phí đầu vào, để tiết kiệm và phát triển toàn diện, các doanh nghiệp cần tối ưu ngay từ đầu vào. Hiện, có rất nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu năng lượng, chỉ cần doanh nghiệp có kế hoạch, sẽ luôn có người đồng hành.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về lộ trình chuyển đổi xanh
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực để bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu nên các nước Đông Nam Á đang tham gia vào các nỗ lực quy hoạch đô thị đầy tham vọng và tạo ra các thành phố mới với công nghệ xanh và thông minh, an toàn.
Khi ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, các quốc gia cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các hình thức tấn công hệ thống thông tin khác nhau, bao gồm xâm nhập mạng, khủng bố mạng và tội phạm mạng. Vì vậy, quy hoạch thành phố cần nhấn mạnh đến sự phát triển xanh, an toàn và thông minh ở tất cả các quốc gia.
Theo thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, tại Hội nghị COP 28 diễn ra tại Dubai, Việt Nam đã đề cao trách nhiệm và cam kết trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Cụ thể là thông qua việc nêu bật 12 biện pháp lớn, toàn diện Việt Nam đã triển khai kể từ Hội nghị COP 26 nhằm giảm phát thải khí nhà kính đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thu hút sự quan tâm cao và cam kết ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế.
Những cam kết đó đi cùng với hành động rất mạnh mẽ, quyết liệt của Việt Nam, thể hiện trong các kế hoạch, hành động triển khai chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng một cách bền vững. Qua đó khẳng định vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong giải quyết những vấn đề chung toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đây không chỉ là vấn đề chung toàn cầu, mà còn là vấn đề sống còn của Việt Nam trong tương lai. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực ĐBSCL khi nước biển dâng, xâm nhập mặn ảnh hưởng hàng ngày, hàng giờ đến đời sống, sự phát triển của người dân; các hiện tượng thời tiết thiên nhiên bất định liên tục xảy ra để lại nhiều hậu quả...
Đánh giá về các hoạt động của những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, các giải pháp công nghệ, xu thế mới đã làm rõ bức tranh tổng quan về chính sách, chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để cơ quan quản lý xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức trong nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này thời gian tới./.