

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với chủ trương nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã, cộng đồng doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ. Việc này nhằm cải thiện tính minh bạch và tăng cường hiệu suất quản lý trong cơ quan Nhà nước. Nếu triển khai tốt sẽ tác động tích cực và sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa - đang chiếm 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam.

Do đó, theo TS. Tô Hoài Nam, ưu điểm rõ ràng khi sáp nhập tỉnh là cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội giảm chi phí hành chính, tăng thuận lợi trong các thủ tục. Việc tăng cường chuẩn hóa, số hóa sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn.
Đồng tình với ý kiến, TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cho hay: Nhờ việc sáp nhập tỉnh, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh hơn với chính quyền địa phương, giảm bớt khâu xét duyệt trung gian khi xin thủ tục cấp phép, đăng ký kinh doanh hoặc các dịch vụ hành chính diễn ra nhanh hơn. Việc giảm bớt tầng lớp trung gian đồng nghĩa với hạn chế cơ chế “xin - cho”, giảm tiêu cực, ngăn ngừa nhũng nhiễu và giúp môi trường kinh doanh minh bạch hơn.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng chia sẻ: Nếu 2 hoặc 3 địa phương sáp nhập vào thì địa phương đó sẽ mở rộng về quy mô, kéo theo dư địa phát triển tăng lên; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước tới với thị trường bất động sản, cùng các chiến lược lâu dài thay vì ngắn hạn. Từ đó, chính quyền các địa phương cũng có thể tập trung đầu tư mạnh mẽ hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các lĩnh vực.
Đơn cử, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Hà Tây đã hưởng lợi từ việc được tiếp cận thị trường lớn hơn của thủ đô, giúp gia tăng doanh thu và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trước đây, dù có diện tích rộng nhưng Hà Tây lại gặp khó khăn về tài chính, khiến tốc độ phát triển bị hạn chế. Sau khi sáp nhập vào Hà Nội, ngân sách trung ương đầu tư nhiều hơn, tạo động lực cho hàng loạt dự án lớn được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, khi trở thành một phần của Hà Nội, khu vực Hà Tây nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Samsung, Vingroup, FPT... góp phần thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp tại Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm... - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Thắng - Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, việc sáp nhập các tỉnh, huyện có thể mang lại nhiều thay đổi về hành chính, cơ sở hạ tầng và thị trường kinh doanh. Đối với doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân tại Việt Nam, quá trình này có thể gây ra khó khăn đối với thủ tục hành chính. Việc sáp nhập có thể dẫn đến thay đổi cơ quan quản lý, mã số thuế, giấy phép kinh doanh, quy trình đăng ký kinh doanh, thay đổi thông tin về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
TS. Tô Hoài Nam cũng đồng tình cho biết, doanh nghiệp phải đối mặt với một số khó khăn trong việc sáp nhập tỉnh như có thể bị gián đoạn hoạt động kinh doanh do địa giới hành chính thay đổi. Câu hỏi đặt ra rằng: doanh nghiệp có phải cập nhật lại giấy phép đăng ký kinh doanh, có gây tốn kém chi phí, địa chỉ trụ sở có phải sửa lại hay không? Một số địa phương đang có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - liệu rằng có bị điều chỉnh, cắt giảm hay dừng? Hay những chính sách về thuế, miễn giảm phí, hỗ trợ đào tạo lao động có bị ảnh hưởng - tỉnh mới sau khi sáp nhập có duy trì không?

Bên cạnh đó, khi hợp nhất một số tỉnh, thành phố sẽ gia tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó xuất hiện cạnh tranh mạnh hơn giữa doanh nghiệp cũ và mới. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý rằng, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương có thể dẫn đến lo ngại về mất cân đối nguồn lực. Doanh nghiệp và nhà đầu tư từ tỉnh phát triển hơn có thể e ngại phải chia sẻ ưu đãi với tỉnh kém phát triển, gây tâm lý thận trọng trong đầu tư.
Mặt khác, mỗi địa phương có chính sách riêng về đất đai, thuế, đầu tư, khiến quá trình đồng bộ hóa sau sáp nhập mất nhiều thời gian và có thể phát sinh tranh chấp. Một số dự án đã được phê duyệt trước sáp nhập có thể gặp khó khăn trong điều chỉnh theo quy hoạch mới. Hơn nữa, việc thay đổi ranh giới hành chính có thể dẫn đến tranh chấp về đất đai, tài sản công, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Cuối cùng, theo ông Nguyễn Tiến Thắng, việc sáp nhập tỉnh có thể làm thay đổi cơ sở hạ tầng và logistics. Những thông tin cơ bản như biển số xe, giấy phép vận tải hàng hóa cần điều chỉnh cũng làm doanh nghiệp khó khăn trong logistics. Nếu hệ thống hạ tầng, thông tin phương tiện, giấy phép vận tải...không được thay đổi ngay, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong vận chuyển và phân phối hàng hóa.
Trước những thách thức trên, để đảm bảo việc sáp nhập diễn ra thuận lợi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một lộ trình hợp lý và các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có.

