
Công nghiệp hỗ trợ của nước ta đã có những bước phát triển tích cực, song còn nhiều hạn chế
Tại hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt", Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta đã có những bước phát triển tích cực, song còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu về cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Một số ngành có tỉ lệ nội địa hóa cao như sản xuất xe máy, có loại tới 60-70%, thậm chí 90%, song nhìn chung tỉ lệ nội địa hóa nhiều sản phẩm còn thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu, trong đó ngành dệt may nhập 70-80%, ngành ô tô đạt tỉ lệ nội địa hóa khoảng 7-10%, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu 60% đặt ra từ năm 2010.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước chiếm tới 2/3 số cơ sở sản xuất, sử dụng 60% lực lượng lao động, song chỉ chiếm chưa đầy 10% vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm tới, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều cơ hội để đi tắt, đón đầu, phát triển đột phá khi có nhiều quyết sách lớn như Nghị quyết 29 năm 2022 của Trung ương, Nghị quyết 23 năm 2018 cùng với Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị, sắp tới là Đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Quy hoạch cấp quốc gia đã định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, với nhiều lợi thế về không gian kinh tế, kết nối, phát triển mọi loại hình giao thông, tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại và logistics.
Quy hoạch đồng bằng sông Hồng được định hướng phát triển theo vùng động lực và cực tăng trưởng, tập trung phát triển công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh cũng có 6/8 cụm công nghiệp đã thành lập và 12/28 cụm công nghiệp được quy hoạch thành lập gắn với lĩnh vực cơ khí.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận tập trung làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và đường sắt; góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các ý kiến cho rằng, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho nhiều ngành sản xuất như xây dựng, ô tô, điện tử, năng lượng, hàng không và nhiều lĩnh vực khác.
Thời gian vừa qua, nhận thức được sự quan trọng của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thế giới ngày nay đang có những diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường: Cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất ngày càng gia tăng;
Công nghiệp hỗ trợ (nhất là lĩnh vực cơ khí, chế tạo) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Nổi bật là: Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng tăng; đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe máy, ôtô con, xe tải, xe khách; một số sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy, thiết bị công nghiệp và sản phẩm gia công cơ khí không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều nước ở khu vực và thế giới.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư vào công nghệ CNC, tự động hóa, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (như Thành Công, Thaco, Vingroup...) đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định chỗ đứng ở thị trường trong nước; đồng thời, tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tư lệnh ngành Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của nước ta nói riêng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước;
Tỷ lệ nội địa hoá trong công nghiệp ô tô và đường sắt còn thấp; chủ yếu vẫn là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện. Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ;
Hầu hết các thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch mạng lưới đường sắt trong tương lai.
Phát có chính sách đột phá đề doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ
Để phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là cơ khí, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải có những đột phá về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ; có các giải pháp mới về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cần nâng cao năng lực mọi mặt của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hướng đến xây dựng các doanh nghiệp mạnh của dân tộc; tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia các dự án trọng điểm quốc gia; hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp và chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh, từ đó phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách vượt trội để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong chuỗi sản xuất, cung ứng.
Quy hoạch nguồn nhân lực và xây dựng các chương trình đào tạo phải đón đầu và bắt kịp các xu thế phát triển, gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong "kỷ nguyên mới"; khuyến khích các mô hình hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực gắn với công nghiệp hỗ trợ.
Các chương trình, dự án về công nghiệp hỗ trợ phải có sản phẩm cụ thể và phải có tính lan toả tích cực; cần tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 để quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn tiếp theo có tính khả thi, hiệu quả cao, có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực tham mưu về chính sách, lĩnh vực, sản phẩm, đối tác cụ thể để Việt Nam có thể tranh thủ thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, để đưa vào các khuôn khổ, cơ chế, thoả thuận hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc triển khai mạnh mẽ "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao tập đoàn" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ cao, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu phát triển của đất nước.
Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam tại Quảng Ninh” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp, đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị, mở ra những tư duy mới, tầm nhìn mới, hiểu biết mới về xu hướng, giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3. Việt Nam cũng đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI khi có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong bối cảnh đơn hàng toàn cầu suy giảm vì tác động của suy thoái kinh tế thế giới.
Bộ Công Thương, với chức năng là Cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, đang được giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia./.