Ngành gỗ trước trọng trách bảo vệ môi trường
Gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam được xuất khẩu đến 150 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam vốn đã được người tiêu dùng thế giới biết đến và lựa chọn.
Tuy nhiên, những thị trường xuất khẩu lớn đang có nhiều tiêu chuẩn hơn đối với nguồn hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác; trong đó, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đời sống con người càng được quan tâm sâu sắc.
Do đó, để tiếp tục thiết lập mối quan hệ giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe như: Tuân thủ quy định của châu Âu về chống phá rừng, giải trình của ngành gỗ để thực hiện tốt hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhằm tạo khung pháp lý cho mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (VPA/FLEGT).
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp là phải xây dựng nguồn nguyên liệu đủ, ổn định về khối lượng cả trong nước lẫn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm ngành công nghiệp gỗ; đồng thời, bảo đảm mục tiêu bền vững môi trường trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Tại Việt Nam, tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Việt Nam có 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích tự nhiên; trong đó, rừng tự nhiên trên 10 triệu ha, còn lại là rừng trồng.
Ở cả hai khu vực rừng tự nhiên và rừng trồng, nếu quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, hiện nay, nhiều thị trường quốc tế đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Điển hình như Nhật Bản yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững.
Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
"Điều này cho thấy Việt Nam cần có sự thống nhất tiêu chí và quy định theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nguyên liệu gỗ" ông Đỗ Xuân Lập nhận định.
Chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc
Rừng và diện tích rừng của Việt Nam vốn được đánh giá đủ tiêu chuẩn cung ứng cho ngành gỗ chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, việc nhất quán toàn hệ thống tiêu chí này từ phía doanh nghiệp đến các nông hộ trồng rừng vẫn còn chưa thực hiện lưu loát.
Bà Lương Kim Anh, đại diện tổ chức Forest Trends, cho biết ngay từ 10 năm trước, Chính phủ đã ra quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, mà diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang trồng rừng đang còn chiếm tỷ lệ nhỏ, nên việc cung cấp các chứng từ pháp lý cho nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng còn cần thời gian hoàn thiện.
Hiện nhiều hộ tiểu điền trồng rừng với diện tích nhỏ cũng đang chờ hồ sơ pháp lý đầy đủ cho sản phẩm gỗ nguyên liệu sản xuất từ rừng trồng, mới cung ứng được cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Chính vì vậy, cả phía doanh nghiệp lẫn các nông hộ trồng rừng đang cần có chuỗi hồ sơ pháp lý để đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến nguyên liệu gỗ an toàn cho môi trường.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp và sử dụng đa dạng hóa chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam.
Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết phát thải bằng 0; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải carbon. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của các thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay vẫn còn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của các tiêu chí xanh trong chế biến, xuất khẩu gỗ nên còn chậm chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Thời gian tới, các thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ dần có động thái kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong các sản phẩm gỗ nhập khẩu.
Theo đó, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Nên dù muốn hay không, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh.
Các chuyên gia nhận định, với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể. Vì thế, nếu các doanh nghiệp thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế./.