Lấp “khoảng trống” cho thị trường tín chỉ carbon rừng

Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại một nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
a1-1693885731.jpg
Việt Nam có tiềm năng tham gia thị trường chuyển nhượng tín chỉ caron rừng. (Ảnh minh họa)

Thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho hơn 25 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng. Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng của Việt Nam hấp thụ trung bình khoảng 69,8 triệu tấn carbon (CO2). Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại một nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Bước đầu hình thành thị trường carbon rừng

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, Việt Nam có trên 14,7 tiệu ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt trên 42%. Rừng là bề chứa carbon quan trọng, giúp cân bằng lượng phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Theo tính toán, tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn. Giai đoạn 2010 – 2020, lượng phát thải trung bình đạt 30,6 triệu tấn CO2, nhưng lượng hấp thụ trung bình lên tới 69,9 triệu tấn CO2.

Đây là tiềm năng để Việt Nam tham gia thị trường chuyển nhượng tín chỉ caron rừng, theo hai thị trường: thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Đối với thị trường bắt buộc, Việt Nam đã bước đầu tham gia thông qua một số chương trình, dự án thỏa thuận giảm phát thải. Trong đó có Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 – 2024 được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2020. Theo thỏa thuận, Việt Nam cam kết chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 cho. Với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị của thỏa thuận chuyện nhượng đạt 51,5 triệu USD, là dấu mốc đưa carbon rừng Việt Nam tiến vào thị trường bắt buộc.

Từ kinh nghiệm trong việc tham gia thị trường carbon rừng quốc tế thông qua việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon – đầu tiên là Cơ chế phát riển sạch hơn (CDM), từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành một số văn bản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam; như: Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto; Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo chơ chế phát triển sạch;… Tính đến tháng 11/2022, có tổng cộng 276 dự án CDm và gần 29,4 triệu tín chỉ carbon đã được ban hành từ các dự án tín chỉ carbon được phát triển theo cơ chế CDM tại Việt Nam.

a2-1693885671.jpg
Đồng bào dân tộc Dao ở Yên Bái có thu nhập từ trồng quế.

Ngoài CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam có 32 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 27 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS), với số lượng tín chỉ được ban hành lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ.

Tháng 11/2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua, lần đầu tiên đưa quy định về việc tổ chức và phát triển hị trường carbon trong nước (Điều 139). Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch cho hệ thống thương mại phát thải (ETS) của Việt Nam và xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các cơ chế tín chỉ bù trừ carbon được áp dụng trong ETS.

Đặc biệt, ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; trong đó quy định chi tiết giảm phát thải khí nhà kính (Điều 91) và hình thành, phát triển thị trường carbon theo Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đến ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; theo đó, có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường carbon trong nước. Với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đặc biệt là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã dần định hình thị trưởng carbon trong nước.

Khoảng trống pháp lý

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 là văn bản pháp lý đầu tiên có những quy định liên quan đến carbon rừng tham gia vào cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Khi tín chỉ carbon rừng được tham gia vào cơ chế này thì carbon rừng có thể được thừa nhận là một trong những tài sản rừng; và khi là tài sản rừng thì quyền quyết định thuộc về chủ rừng như quy định tại Điều 8 của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.

Mặc dù nội dung carbon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm háp luật, đặc biệt là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, tuy nhiên vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại. Để khắc phục bất cập này, trước tiên cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đỏi, bổ sung thể chế, chính sách phù hợp.

Một khoảng trống trong chính sách carbon rừng là Việt Nam chưa có quy định về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng. Trong khi đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng carbon rừng. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có quy định về carbon rừng khi được xác nhận dưới dạng tín chỉ carbon là tài sản của rừng cũng như sản phẩm hàng hóa của rừng được “đối xử” ngang bằng như gỗ hay lâm sản ngoài gỗ.

Đáng chú ý, Việt Nam đang thiếu những quy định về thể chế chung đối với carbon rừng. Carbo rừng đang trong hai xu hướng: Một là, dùng để chuyển nhượng bằng các thỏa thuận giảm phát thải (ERPA) hoặc trao đổi, chuyển nhượng, bù trừ tín chỉ carbon theo Luật Bảo vệ môi trường. Hai là, carbon rừng được hình thành từ chống mất rừng, chống suy thoái rừng, hấp thụ và lưu giữ từ các hoạt động khôi phục rừng lại được quy định là một loại hình dịch vụ môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp. Hai xu hướng này có điểm đồng nhất, nhưng cũng có điểm khác biệt.

Đặc biệt, quản lý nhà nước đối với carbon rừng hiện còn nhiều hạn chế. Nội dung điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát carbon rừng chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Giá trị carbon rừng chưa được định giá, chưa được tính vào giá trị rừng; quy hoạch giảm phát thải từ rừng cho đóng góp quốc gia tự quyết định gắn với quy hoạch ba loại rừng chưa được tính đến; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước đối với quản lý carbon rừng chưa được quy định cụ thể;…

Để khắc phục những hạn chế này, hệ thống cơ sở pháp lý cần đươc bổ sung các quy định về sở hữu carbon rừng; quy định carbon rừng là lâm sản và trở thành hàng hóa như các loại lâm sản khác. Khi được công nhận là một loại lâm sản thì các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng carbon rừng cần được quy định chi tiết tại các điều trong Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật.

Về quy định quản lý nhà nước đối với carbon rừng, cần bổ sung quy định carbon rừng là một trong các chỉ tiêu điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo giai đoạn, hằng năm theo các điều: 33, 34, 35 của Luật Lâm nghiệp; đồng thời bổ sung quy định hệ thống dữ liệu carbon rừng nằm trong cơ sở dữ liệu rừng tại Điều 36 Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung quy định giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh về điều tra, đánh giá trữ lượng carbon rừng; bổ sung chỉ tiêu trữ lượng carbon rừng trong công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm…

Cần lưu ý là, tín chỉ carbon rừng là loại hàng hóa đặc biệt. Do đó, để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, đầu tư vào kinh doanh tín chỉ carbon rừng, Chính phủ cần ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư theo hợp đồng BBC vào kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đây là hình thức hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận và phân chia tín chỉ carbon rừng mà không thành lập tổ chức kinh doanh.

(Bài viết trích tham luận của Thạc sỹ Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột ngày 03/04/2023; tít bài do Tòa soạn đặt)

PV