Tại Việt Nam, thị trường carbon gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc tương đương. Tại Việt Nam, tín chỉ carbon đang được xem là một mặt hàng mới. Ước tính, mỗi tín chỉ carbon có giá khoảng 5 USD. Mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tài nguyên rừng Việt Nam hiện có 14,7 triệu ha với độ che phủ là 42%, trong đó, có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là đối tượng có rất nhiều tiềm năng và nhiều hoạt động có thể đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải, cũng như phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới trao đổi tín chỉ carbon với các quốc gia khác trên thế giới.
“Theo Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, đến hết năm 2027 Việt Nam sẽ hình thành thị trường bắt buộc, trong đó quy định các hạn ngạch đối với các cơ sở giảm phát thải và mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon. Ngành lâm nghiệp đã và đang chủ động đàm phán với các tổ chức quốc tế và các đối tác liên quan xây dựng những dự án thí điểm có thể chuyển nhượng kết quả về thị trường carbon”, ông Bảo thông tin.
Việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện cắt giảm khí nhà kính hướng theo các cam kết khí hậu trước đây và đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo thỏa thuận chung tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã hình thành thị trường carbon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.