Lão nông nghèo dành trọn tình yêu với rừng lim xanh

Nhận thức được giá trị to lớn từ rừng lim, ông đã dành cả quãng đời còn lại để chăm sóc, coi chúng như bầu bạn, để rồi khi tóc bạc phơ, chân đã chậm, mắt kém, cũng là lúc cánh rừng lim cao lớn, khỏe mạnh, có những cây lim to đến 2 người ôm, đó là niêm vui khôn tả đối với lão nông nghèo dành trọn tình yêu với rừng lim xanh.

Lão nông trong câu chuyện của chúng tôi đó là ông Lê Huy Thục, (75 tuổi, thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Người đã dành trọn tình yêu cho cánh rừng lim xanh.

lim-xanh-1685264940.jpg
Hằng ngày, ông Thục thường lên rừng lim chặt những dây leo bám vào cây để cây không bị chẹt, phát triển thuận lợi

Chúng tôi tìm đến ông Thục vào một ngày đầu hè oi bức. Thấy người lạ, bà Vũ Thị Thuỷ (71 tuổi) vợ ông Thục ra đón với ánh mắt và câu hỏi dò xét: “Các chú tìm ai, nếu như hỏi mua gỗ thì ông không bán đâu”. Khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu câu chuyện chăm sóc rừng lim của ông nhà, bà cụ nói: “Chẳng mấy khi ông ở nhà, giờ ông đang ở khu điều hoà trò chuyện với bạn rồi, nếu các chú muốn gặp thì tôi chỉ đường cho”. Theo sự chỉ dẫn của bà Thuỷ, chúng tôi tìm đến “khu điều hoà” nơi có những cánh rừng lim dày đặc đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Sở dĩ gọi là khu điều hoà vì những ngày nắng nóng, bước chân vào rừng lim đây sẽ thấy cảm giác mát lạnh, còn những người bạn mà bà Thuỷ nói ông Thục đang trò chuyện chính là những gốc lim vô tri vô giác.

Thấp thoáng trong những rặng lim cổ thụ, chúng tôi tìm thấy một ông già mái tóc bạc phơ đang cắt những dây rừng quấn quanh gốc lim. Dưới tán lá xanh mát của khu rừng lim to với đường kính trên 50cm, ông Thục bắt đầu tiếp chuyện chúng tôi, câu chuyện về ý chí kiên định mạnh mẽ như chính sự sinh trưởng và phát triển của rừng lim vậy.

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn Thanh Hóa. Năm 1963, ông Thục lên Thanh Tân, huyện Như Thanh theo diện xây dựng khu kinh tế mới và bảo vệ quốc phòng. Vừa đặt chân đến đây, đập vào mắt của ông là một vùng rừng lim bạt ngàn, vô cùng giá trị.

Ông Thục cho biết: “Lúc tôi bắt đầu lên đây, xã Thanh Tân trước đây có tên gọi là Rừng Lim, rừng ở đây rất nhiều, toàn các loại gỗ quý như lim, sến táu, dẻ. Chính vì thế mà người dân ở đây đặt tên cho các bản làng theo tên của cây gỗ rừng như bản Rừng Lim, Bản Táu…”

Lúc bấy giờ, do người dân địa phương không hiểu được tầm quan trọng của những cây gỗ quý, đất canh tác lại thiếu nên họ đã chặt hạ để làm nương, rẫy. Khi những thân gỗ to đã khô, họ tấp thành đống để đốt. Thấy dân làng không sử dụng gỗ nên nhiều người dưới xuôi đã lên đây khai thác. Họ đi vào tận rừng sâu, tìm những cây gỗ to, xẻ thành từng hoành kéo lên ô tô rồi chở về xuôi. Cũng từ đó cánh rừng bắt đầu suy kiệt.

Ông Thục hồi tưởng: “Cách đây khoảng 50 năm, ở đây rất nhiều gỗ quý. Nhưng người dân địa phương chặt hạ rất nhiều, họ thi nhau chặt để có đất trồng lúa, trồng ngô mà không quan tâm đến giá trị của nó. Do cũng chẳng có ai cấm nên chẳng bao lâu những cánh rừng già trở nên nghèo kiệt”.

Thời đó, có những lúc vì đói kém, miếng cơm trở thành gánh nặng của người dân nơi đây. Tất cả những gì có giá trị họ đều đem bán, để đong gạo, thậm chí chính họ cũng tự biến mình thành lâm tặc để phá bỏ những cánh rừng xanh mà thiên nhiên đang ban tặng.

Nhìn những cánh rừng đang ngày đêm chảy máu, ông Thục đau lòng lắm, nhưng không có cách nào để ngăn cản, vì ông cũng chẳng khấm khá hơn ai. Thậm chí, những lúc đói ăn, vợ con ông cũng đã bàn đến việc chặt bán đi để lấy tiền đong gạo.

Ông Thục cho biết: “Khi mọi người đều chặt phát hết rừng để kiếm tiền đong gạo thì mỗi nhà tôi giữ lại. Bao nhiêu lần vợ con càu nhàu vì không có gạo ăn, mà cứ giữ khư khư cánh rừng lim không cho khai thác. Lúc ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ là nếu mình khai thác đi thì không biết đến đời con mình cây lim đã to bằng bắp chân hay chưa. Nên phải gìn giữ, dù mình nghèo đói, nhưng còn rừng  là còn tất cả”.

Theo ông Thục: “Phá rừng trồng keo cũng giống như mì ăn liền, ăn tý lại đó, còn để cánh rừng phát triển được mới chính là cơm, là sự sống bền bỉ và lâu dài, như Bác Hồ đã nói “Vì lợi ích 10 năm trồng cây”. Từ những suy nghĩ đó, cánh rừng lim 9 ha của ông Thục vẫn được giữ nguyên, nó không chỉ là cánh rừng lim xanh còn xót lại ở thôn, ở xã mà còn là cánh rừng lim đặc, có nhiều cây to nhất huyện Như Thanh.

Từ đó, hàng năm, ông luôn nhận được Giấy khen của các cấp chính quyền vì thành tích trong việc vận động tham gia quản lý rừng. Đặc biệt, ông cũng là người duy nhất của địa phương được tham gia nhiều hội thảo về quản lý và bảo vệ rừng ở các cấp.

lim-2-1685265103.jpg
Cánh rừng lim của ông Lê Huy Thục rộng 9 ha, mật độ dày, cây to

Nhận được bằng khen của các cấp chính quyền, ông Thục thấy vai trò trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phát triển rừng càng nặng nề hơn. Hàng ngày, ngoài việc trông nom cánh rừng lim, ông còn đến từng hộ đang còn rừng nghèo kiệt, tuyên truyền vận động họ giữ rừng lại.

Nhận thấy cánh rừng lim của nhà ông Thục có mật độ dày, cây to nên năm 2017, Hạt kiểm lâm Như Thanh đã xây dựng Đề án bảo tồn gen giống lim xanh quý giá 5 năm (2017 – 2021). Cũng từ đó, gia đình ông được hưởng thêm một khoản phụ cấp 500 nghìn/ha/năm. Tuy nhiên, từ năm 2021, số tiền hỗ trợ của ông đã bị cắt bỏ do không có kinh phí hỗ trợ. Dù kinh tế từ rừng không có, nhưng ông Thục vẫn kiên định gìn giữ như một lời thề thủy chung với sắc xanh của cánh rừng.

Do cánh rừng lim nhà ông Thục gần đường nên năm 2013, nhà ông đã bị cưa trộm 2 cây gỗ lim to, đường kính 50cm. Từ hôm đó, việc tuần tra, kiểm tra luôn được ông Thục chú trọng hàng đầu. Giờ đây, tuy tuổi cao, không làm được đồng ruộng, nhưng hàng ngày, ông Thục vẫn lên đồi thăm rừng, xoa tay lên những cây gỗ lim như vỗ về với những người bạn.

Nhìn những cây gỗ lim to đang lớn dần theo thời gian, khuôn mặt của ông Thục như được trẻ lại. Trong lòng con cháu của ông và dân làng, từ lâu, ông cũng là một cây lim đại thụ giữa rừng lim xanh thẳm…

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân cho biết: “Chính quyền xã đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của ông Lê Huy Thục trong việc chăm sóc bảo vệ rừng. Hiện nay, xã vẫn chưa có kinh phí để hỗ trợ gia đình, Ủy ban đã phối hợp với Kiểm lâm viên tuyên truyền, khuyến khích gia đình ông Thục và các hộ gia đình gìn giữ giá trị của rừng trên địa bàn”.

Hà Khải