Là tỉnh miền núi, trên 80% lao động sinh sống ở khu vực nông thôn, ngành Nông nghiệp luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, phát triển KT – XH của tỉnh. Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là 1 trong 3 đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong hơn 2 năm qua, Tỉnh ủy ban hành 4 nghị quyết chuyên đề định hướng phát triển trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực trong cơ cấu ngành Nông nghiệp; HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp; UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai cụ thể với những giải pháp rõ ràng; các cấp, ngành và nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao khẳng định sự thống nhất, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Dù trong khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, sự quan tâm và quyết tâm phát triển nông nghiệp của tỉnh đã được khẳng định bằng các thành quả: Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt 7,62%, chiếm 31,1% cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá hiện hành) đạt trên 14,7 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất trồng trọt bình quân năm 2021 và 2022 đạt 53,06 và 59,5 triệu đồng/ha, tăng lần lượt 6,1% và 8,1% so với năm trước… đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân (GRDP) của tỉnh 2 năm qua đạt 4,5% và 7,8%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 34,24 triệu đồng/người. Các loại cây lương thực duy trì ổn định diện tích, đẩy mạnh thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu, tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực. Chăn nuôi duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, chú trọng phát triển theo quy mô trạng trại, gia trại và các giống bản địa, đặc sản. Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao tập trung trọng điểm vào 5 cây và 3 con: “Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao, Tam giác mạch – bò Vàng, lợn địa phương, mật ong Bạc hà”. Khai thác hiệu quả diện tích quy hoạch đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thương hiệu sản phẩm được chú trọng xây dựng với trên 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao được công nhận…
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, trở ngại trong phát triển nông nghiệp của tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và trong nội bộ từng lĩnh vực còn chậm, chưa xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển; các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, khó cạnh tranh; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp chưa đồng bộ; việc thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khó khăn; biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả đầu vào trong sản xuất, tính cạnh tranh của thị trường ngày càng cao…
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, phấn đấu trên 70% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết theo tiêu chuẩn an toàn mới VietGap, GlobalGap, hữu cơ; 100% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 5,5%/năm; giai đoạn 2026 – 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm… Để đạt những mục tiêu trên, tỉnh xác định tiếp cận theo 2 trục: Đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm với các nhóm cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày; nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô tại 4 huyện vùng cao sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời ưu tiên thúc đẩy phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch như: Chè Shan tuyết, cam, mật ong Bạc hà; dược liệu, cây ăn quả ôn đới, Tam giác mạch, bò Vàng, lợn đen…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Hà Giang có nhiều sự khác biệt và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Tỉnh cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương. Liên kết trong sản xuất từng ngành hàng, từ khâu giống đến sau thu hoạch để tạo các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản; tối đa hóa giá trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất; kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch; đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để quảng bá sản phẩm nông nghiệp; linh hoạt, chuyển hóa, chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả. Thay đổi tư duy, từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từ “tăng trưởng đơn giá trị” sang “tăng trưởng đa tầng giá trị”; không để không gian sản xuất bị chia cắt bởi địa giới hành chính các cấp và tìm kiếm những giải pháp tổng thể cho ba vùng sinh thái của địa phương… hướng đến chuyển đổi từ “thúc đẩy phát triển nông nghiệp” đến “kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp đa giá trị”.