Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 359.785ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Để chủ động kiểm soát tình hình và kịp thời phát hiện, khống chế các đám cháy rừng các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động thành lập các tổ, đội bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh đã thành lập 345 tổ, đội bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), trong đó có 16 tổ, đội cấp huyện; 278 tổ, đội cấp xã; 51 tổ, đội của chủ rừng với 7.287 người tham gia. Các tổ, đội này có nhiệm vụ chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”, duy trì chế độ trực ban, sẵn sàng lực lượng thường trực, phát hiện, dập tắt kịp thời đám cháy. Chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng đã làm mới, tu sửa 189,13km đường băng cản lửa, 19 chòi canh lửa, 248 biển tường cố định, 603 máy thổi gió, 135 cưa xăng.
"Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về PCCCR; thông báo, cảnh báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày khi có dự báo cháy rừng đến cấp 4 và cấp 5 để mọi người dân biết, cảnh giác, phòng ngừa. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng", ông Tùng cho biết thêm.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có trên 130.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu là các loài cây trồng như thông, keo, bạch đàn và rừng tự nhiên nghèo kiệt hỗn giao tre nứa, gỗ… tập trung trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Can Lộc, TX.Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh... Khi thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài thì những diện tích rừng trên rất dễ bắt lửa và gây cháy rừng.
Theo đó, khi phát hiện có cháy rừng xảy ra, phải kịp thời huy động các lực lượng chữa cháy rừng nhằm khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Đồng thời, chủ động có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Để giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nguy cơ và cấp cháy rừng, thông báo rộng rãi đến người dân.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và người dân.
- Lắp đặt các biển báo khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng, các địa điểm không được sử dụng lửa để người dân nhận biết.
- Chủ động các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng (Dao phát, cuốc, xẻng, máy bơm, nguồn nước phục vụ chữa cháy...)
- Khi xảy ra cháy rừng báo ngay cho mọi người xung quanh và cơ quan chức năng gần nhất.
- Triển khai “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).