Xây dựng hệ giá trị văn hóa chuẩn mực cho người nông dân mới để thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn

Từ khi có Đảng và trong tiến trình Cách mạng Việt Nam, gần 100 năm qua, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện luôn khẳng định và đánh giá: Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất, đóng góp nhiều nhất và hy sinh lớn nhất cho sự nghiệp cách mạng. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn luôn là hậu phương bao la, vững chắc của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhất là chống Pháp và chống Mỹ (giai đoạn từ 1945 - 1975). Và, trong công cuộc đổi mới hiện nay, nông dân vẫn là lực lượng đi đầu, đã tạo nên bao kỳ tích trong sản xuất lúa gạo và nông sản hàng hóa đứng vào tốp hàng đầu thế giới, góp phần xây dựng và làm đổi mới nhanh chóng diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp văn minh. Đấy là những đóng góp và thành tựu to lớn do người nông dân mang lại cho chính họ và cho đất nước không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, dù nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cực kỳ quan trọng, song những hạn chế của người nông dân do họ sống nhiều năm trong nền “văn hóa tiểu nông” vẫn còn tồn tại và tạo nên nhiều rào cản cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh và làm rõ quan điểm: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trên cơ sở xây dựng hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

1-1662525877.jpg

Có thể khẳng định: Giá trị văn hóa cốt lõi, phổ biến của người nông dân Việt Nam có từ hàng ngàn năm nay là đức tính: Cần cù, chịu thương chịu khó, dũng cảm, lao động sáng tạo, sống giản dị, khiêm tốn, bao dung, nồng nàn yêu nước, yêu con người và thiên nhiên. Nông dân là chủ thể kiến tạo nên những giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Hệ giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam về cơ bản được sáng tạo, tích lũy bởi người nông dân. Từ lòng yêu thương da diết quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xóm, đức tính khoan dung trong đạo lý nghĩa tình và luôn cần cù trong lao động, giản dị trong đời sống, tinh tế trong ứng xử... đã tạo nên những giá trị văn hóa được đúc kết trong quá trình sống, lao động, tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của chính người nông dân sống chất phác “vì lẽ trường tồn” để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt “thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Trong hoàn cảnh đó, người nông dân đã phải liên kết với nhau, chặt chẽ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi cả lúc bình an lẫn lúc gặp can qua hoạn nạn.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những giá trị tinh hoa văn hóa ấy được vun đắp, tạo dựng thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, do gắn bó chặt chẽ, lâu dài gần như cả đời người của nhiều thế hệ nối tiếp nhau với nền văn hóa tiểu nông, nên nhiều hạn chế, thói hư, tật xấu đã ăn sâu trong tiềm thức, nếp sống của người nông dân là không thể tránh khỏi và không thể khắc phục, xóa bỏ ngay được. Bởi vậy, muốn đổi mới, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đòi hỏi phải có bước đi, lộ trình, đặc biệt phải xây dựng cho được hệ văn hóa chuẩn mực của người nông dân, đảm bảo phát triển kinh tế phải đi đôi, gắn chặt với phát triển văn hóa và con người văn minh, hiện đại là nhu cầu khách quan, bức thiết hiện nay.

Vậy những rào cản của văn hóa tiểu nông là gì?

Đặc điểm của nền sản xuất lúa nước là tính thời vụ và phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Hơn nữa, do tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cuộc sống lại bó hẹp sau các lũy tre làng nên đã xuất hiện nền văn hóa tiểu nông. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nông dân nước ta chiếm 95% dân số, nên văn hóa tiểu nông là nền văn hóa chủ đạo. Đến nay, đã gần 40 năm đổi mới, tỷ lệ nông dân vẫn chiếm gần 70%; vì vậy, những hạn chế của văn hóa tiểu nông vẫn gây ra nhiều hệ lụy, rào cản trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, Đảng đòi hỏi phải nhận diện rõ những rào cản, hạn chế này, để từ đó xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của người nông dân Việt Nam văn minh, có tư duy phong cách hiện đại, có khát vọng hội nhập và vươn lên mạnh mẽ trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2-1662525903.jpg

Theo các nhà nghiên cứu, một số hạn chế của văn hóa tiểu nông thường được biểu hiện trong đời sống thường nhật ở nông thôn Việt Nam. Đó là các thói tật: 1. Dựa dẫm, ỷ lại: Đại loại như “cha chung không ai khóc”, “lụt thì lút cả làng”, “nước trôi, bèo trôi”... Đó là những câu nói, thành ngữ đã ăn sâu trong tiềm thức của người nông dân, thể hiện thói quen ăn bám, trốn tránh trách nhiệm nên khi làm việc gì cũng nhìn xung quanh xem có ai làm không để làm theo. Thói tật này thường làm nhụt chí, tiêu tan vai trò, trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng. 2. Cào bằng, đố kị: Ví dụ ta thường nghe: “Xấu đều hơn tốt lõi”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, “trâu buộc ghét trâu ăn”. Thói tật này đã làm băng hoại, tiêu tan các sáng kiến, hạn chế năng lực sáng tạo của cá nhân. 3. Ích kỷ, hẹp hòi: Ví như “Bè ai ngồi ấy chống”, “Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu”, “Kiến giả, nhất phận” (anh chị em ruột cũng ai nấy người ấy lo), “ăn cây nào rào cây ấy”, “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”... Thói tật này tạo nên tư tưởng cục bộ, bản vị, gia trưởng, hẹp hòi, triệt tiêu tính cộng đồng, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau để vươn lên trong cuộc sống. 4. Háo danh kiêu ngạo: Thích khoe khoang, phô trương, tự phụ, tự mãn, thích xu nịnh, ưa nịnh sinh ra nạn chạy chọt, đút lót, không chịu học hỏi người khác để mở mang kiến thức... Ngoài ra, văn hóa tiểu nông còn sinh ra hàng loạt thói tật khác như: Chậm chạp, lề mề, “sớm chẳng vội, tối chẳng lo”, “sáng rửa cưa, trưa mài đục”. Đây là lối sống thụ động, chậm chạp không phù hợp với lối sống công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn mau lẹ, chính xác, khoa học. Hoặc tính tản mản, thiếu tầm nhìn xa, “nước đến chân mới nhảy”. Không dự báo, lập trình, tính toán được những công việc trong tương lai. Thêm vào đó là thói tùy tiện, cẩu thả, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh. Do đó, luôn rụt rè, nhút nhát, ngại va chạm, sợ thất bại, không dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình, trước xã hội.

Đặc biệt, thiếu ý thức pháp luật, là nhược điểm khá phổ biến của văn hóa tiểu nông. Ta thường nghe câu “Phép vua thua lệ làng”. Đây là nhược điểm lớn nhất của người Việt, và trên thực tế đã gây ra rất nhiều hệ lụy như: tự ý lấn chiếm đất công, lòng đường, vỉa hè, thả trâu bò súc vật, phơi thóc lúa, rơm rạ bừa bãi trên các trục đường giao thông, uống rượu bia vô tội vạ, bất chấp mọi luật lệ quy định. Từ thực trạng trên đây, để sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành công, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và trên thực tế đang mang lại những kết quả, thành tựu to lớn, nhưng cũng chỉ mới là bước đầu.

Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam còn lắm gian nan, đặc biệt là còn vướng nhiều rào cản bởi tư tưởng, văn hóa tiểu nông. Do đó, Trung ương Đảng, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, trăn trở, quyết liệt chỉ đạo phải xây dựng cho được hệ giá trị văn hóa chuẩn mực cho người nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Đó là người nông dân không chỉ nhanh nhạy với cơ chế thị trường, làm chủ công nghệ sản xuất mà vẫn rất cần những con người nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa đạo lý. Hàng loạt mô hình “ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền”, “gia đình khuyến học”, “dòng họ khuyến học” là những cách làm hay, sống động, là sự sáng tạo của các địa phương nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa dân tộc. Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực và gương mẫu chấp hành các quy ước, hương ước của cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa ở nơi công cộng, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, góp phần quan trọng thực hiện thành công chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

3-1662525935.jpg

Muốn làm được điều đó:

a) Phải nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ mới, của hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của người nông dân văn minh đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị cả trước mắt và lâu dài.

b) Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người nông dân; đồng thời xây dựng, bồi dưỡng cho người nông dân có ý chí vươn lên mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm để quyết tâm đổi đời, thoát nghèo đói, lạc hậu, xây dựng một cuộc sống văn minh, hạnh phúc, hiện đại ngay trên quê hương yêu dấu của mình.

c) Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của nông dân phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Thực hiện đổi mới nhanh các mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật đồng bộ, thiết thực.

d) Quan tâm, đầu tư để đào tạo một thế hệ nông dân mới, nông dân văn minh, có kiến thức và ý chí làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương văn minh, hạnh phúc, hiện đại. Nông dân văn minh là lớp nông dân Việt Nam thế hệ mới gắn bó chặt chẽ hài hòa giữa những giá trị văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa chuẩn mực hiện đại của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.