Kinh tế Việt Nam 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng

Năm 2023, mặc dù tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu, nhưng các chuyên gia đều nhận định đà phục hồi đã rõ nét và kỳ vọng năm 2024 hoàn toàn có thể là năm bứt phá phục hồi tăng trưởng kinh tế.
ktvn-1705998739.jpg
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD. Ảnh minh họa

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Theo Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” mới đây, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đặc biệt, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.

Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm và giữa các tháng trong năm. Các FTA đã góp phần đáng kể cho phục hồi hoạt động xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023. Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố.

Bước sang năm 2024, trên cơ sở phân tích, đánh giá dữ liệu phát triển kinh tế - xã hội cả nước năm 2023, chuyên gia của CIEM đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng của nền kinh tế. Theo kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt mức 6,13%; xuất khẩu tăng 4,02%; thặng dư thương mại ở mức 5,64 tỷ USD; lạm phát bình quân ở mức 3,94%. Theo kịch bản 2, tăng trưởng sẽ đạt 6,48%; xuất khẩu tăng 5,19%; thặng dư thương mại đạt 6,26 tỷ USD; lạm phát bình quân 3,72%.

xk-nong-san-1705998699.jpg
Ngành hàng rau quả là một trong những điểm sáng xuất khẩu trong năm 2023. Ảnh minh họa

Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, chuyên gia của CIEM đề xuất, bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam. Khác với các năm trước, trong năm 2024, Việt Nam đã có “hành trang” là khung chính sách tương đối hoàn thiện hơn. Song, cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Về cải cách nền tảng kinh tế vi mô, cần tiếp tục thực hiện thông qua hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả các luật căn bản như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)….

Tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhận diện, ban hành khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hình thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam; rà soát, tháo gỡ các vấn đề về chính sách cạnh tranh trong kinh tế số.

Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý để tận dụng cơ hội từ các mô hình kinh tế mới. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, ban hành các Nghị định của Chính phủ về cơ chế thí điểm trong các lĩnh vực fintech, kinh tế tuần hoàn. Rà soát các quy định pháp lý liên quan đến các mô hình, hoạt động kinh tế ban đêm để sớm kiến nghị hướng tháo gỡ. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…/.

Hương Lan