Theo số liệu Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào cuối năm 2023 cho thấy, năm 2023 cả nước có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm đạt mức kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp, kết quả này cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 cũng đạt 58.412 doanh nghiệp. Qua đó, đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mốc trên 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Đây cũng là năm thứ hai số doanh nghiệp thành lập gia nhập và tái gia nhập thị trường vượt qua mốc 200.000. Năm 2022, con số này là 208.368 doanh nghiệp. Sự tăng trưởng ấn tượng của số doanh nghiệp gia nhập thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, trong năm qua cũng ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong tháng 12, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui, tăng hơn 26% so với năm ngoái. Tính chung cả năm, con số này là 172.500 doanh nghiệp, tăng 20,5%. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Nguyên nhân của sự tăng vọt số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường chính là sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó bao gồm việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… đã góp phần giúp tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “Năm 2023, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vô cùng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động...Cùng với đó, các doanh nhân Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về trình độ, năng lực từng bước tiệm cận khu vực và thế giới, với khát vọng và sứ mệnh hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”.
Chủ tịch VCCI cũng nhận định, hiện Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ đầu đổi mới nước ta còn khó khăn hơn nhiều, khi đó doanh nhân vốn liếng nhỏ bé, kiến thức, kinh nghiệm thị trường không có gì, còn cán bộ cũng đầy bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, nhưng chính sự hưng phấn cùng tinh thần kinh doanh lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số và thoát khỏi đói nghèo.
Bởi vậy theo VCCI, sức mạnh tinh thần là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được”- Chủ tịch VCCI cho biết thêm.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận đinh, hiện Việt Nam đã có khoảng 920.000 doanh nghiệp hoạt động. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự kiến năm 2024, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Việt Nam tiến dần đến mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết số 58/NQ-CP được ban hành vào ngày 21/4/2023./.