Khởi nghiệp từ các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng cao Hà Giang

Trong những năm qua, nhiều tấm gương khởi nghiệp từ nông nghiệp đã xuất hiện, góp phần mang lại sự đổi thay cho đời sống của người dân vùng cao Hà Giang. Những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp vùng cao không chỉ nâng cao thu nhập cho bà con mà còn giúp bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đi lên từ khó khăn và thách thức của nông nghiệp vùng cao Hà Giang

Các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và vùng cao Hà Giang nói riêng nhiều khu vực luôn đối mặt với những khó khăn lớn trong phát triển nông nghiệp. Đặc điểm chung của vùng đất này là địa hình dốc, đất đai bạc màu, thiếu nước tưới tiêu, và thời tiết khắc nghiệt, không thuận lợi cho việc canh tác truyền thống. Dân cư vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, hạ tầng cơ sở yếu kém và sự thiếu thốn trong kiến thức khoa học kỹ thuật khiến cho việc phát triển nông nghiệp trở nên vô cùng gian nan.

Tuy nhiên, giữa muôn vàn thử thách, đã có những nông dân vùng cao kiên trì, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, và làm giàu từ chính mảnh đất của mình. Những tấm gương ấy không chỉ là niềm tự hào của bản làng mà còn là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế nông nghiệp như mô hình phát triển nông nghiệp của chị Nguyễn Thị An “làm giàu từ mô hình cây ăn quả”.

lien-1733031280.jpg
Những trái bưởi vàng óng trong vườn nhà chị An hội viên chi hội 10 thị trấn Nông trường Việt Lâm Vị Xuyên bắt đầu cho thu hoạch.

Trong những năm qua phong trào "Phụ nữ tích cực  học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn thị trấn NT Việt Lâm (Vị Xuyên). Từ đây đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ vượt khó bằng việc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chị Nguyễn Thị An hội viên chi hội 10 thị trấn NT Việt Lâm (Vị Xuyên) là một tấm gương điển hình như thế.  

Chị An chia sẻ: Khi mới xây dựng gia đình cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm sản xuất, thu nhập thấp. Sau khi chị được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN thị trấn NT Việt Lâm phối hợp tổ chức về kĩ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi.

Năm 2018, hai vợ chồng chị mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, bước đầu chị trồng 50 gốc bưởi diễn, do phù hợp với thổ nhưỡng được chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật diện tích cây ăn quả của gia đình chị phát triển tốt. Đến nay, chị tiếp tục đầu tư thêm 200 gốc bưởi diễn, chanh, mở rộng thêm 2.000m2 giàn lưới, thêm vào đó chị đầu tư sản xuất chổi chít cung ứng ra thị trường, giúp đỡ các chị em lúc nhàn rỗi có thêm thu nhập, chị chăn nuôi thêm 10 con lợn nái... Theo hạch toán hàng năm trừ chi phí gia đình chị có trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Chị Nguyễn Thị An không chỉ làm kinh tế giỏi chị còn là hội viên tiêu biểu, chị luôn chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn chị em xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào thi đua của địa phương. Với những thành tích đã đạt được chị An là tấm gương về tinh thần cần cù, năng động, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Cũng giống với Chị An, hành trình làm giàu từ cây chè của anh Trịnh Trọng Tuyến Tại tổ 11, thị trấn NT Việt Lâm (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có một câu chuyện khởi nghiệp bền bỉ và đầy cảm hứng từ chính những đồi chè xanh mướt. Tổ hợp tác chế biến và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP do anh Trịnh Trọng Tuyến và vợ là chị Hà Thị Huệ sáng lập đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cộng đồng địa phương. Với 130 thành viên và sản lượng hơn 300 tấn chè mỗi năm.

che-kho-1733031676.jpg
Chè đang được đóng gói bảo quản sau xản suất của hộ gia đình anh Tuyến.

Đối với anh Trịnh Trọng Tuyến, chè không chỉ đơn thuần là một ngành kinh doanh. Đó là cả một giá trị tinh thần và trách nhiệm với vùng đất nơi anh sinh ra. Quyết tâm duy trì và phát triển nghề chè, anh Tuyến và chị Hà Thị Huệ đã bắt đầu hành trình xây dựng tổ hợp tác từ con số 0. Anh chị hiểu rằng, để chè của thị trấn NT Việt Lâm có thể cạnh tranh trên thị trường, họ phải thay đổi cách làm, từ việc sản xuất chè thủ công nhỏ lẻ sang áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe như ViệtGAP.

Sự chuyển đổi này không hề dễ dàng, bản thân anh Tuyến và các hộ dân trong tổ hợp tác phải học hỏi, làm quen với những phương pháp mới, từ kỹ thuật canh tác đến quy trình chế biến. Nhưng nhờ tinh thần kiên trì, không ngại khó, họ đã thành công đưa sản phẩm chè sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh việc bảo vệ và phát triển nghề chè truyền thống, tổ hợp tác còn tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Với những đóng góp của anh Tuyến và chị Huệ, chè không chỉ trở lại vị thế là nguồn thu nhập chính, mà còn trở thành niềm tự hào của người dân thị trấn NT Việt Lâm.

Câu chuyện về hành trình xây dựng tổ hợp tác của anh Trịnh Trọng Tuyến là một bài học quý giá về lòng trung thành với nghề truyền thống và tầm nhìn xa về phát triển bền vững. Chính sự kiên định và quyết tâm đó đã giúp anh chị không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn đem lại sự thịnh vượng cho cả cộng đồng.

Không chỉ có mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy, nhiều vùng cao ở Hà Giang còn áp dụng mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp để phát triển kinh tế. Tại Hà Giang, việc phát triển du lịch cộng đồng đã giúp bà con dân tộc thiểu số có thể vừa bảo vệ được văn hóa truyền thống, vừa tăng thu nhập. Trong đó, mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các thôn bản như Lũng Cú, Phó Bảng, hay Sủng Là đã trở thành những điểm sáng.

1810-phat-trien-du-lich-gan-voi-cac-san-pham-nong-nghiep-dac-trung-2-1733032323.png
 Sản phẩm Nông nghiệp ruộng bậc thang Hà Giang thu hút khách du lịch.

Tại bản Lũng Cú, gia đình anh Cứ Mí Tính là một ví dụ điển hình trong việc kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Anh Tính ngoài việc trồng ngô, lúa, còn phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Du khách đến thăm có thể tham gia vào các công việc nông nghiệp như gieo trồng, thu hoạch, chăm sóc gia súc gia cầm, đồng thời trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

"Chúng tôi không chỉ làm nông nghiệp mà còn chia sẻ văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình với du khách. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể, đồng thời còn giúp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống" anh Tính chia sẻ.

Những tấm gương nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp vùng cao như chị Nguyễn Thị An, anh Trịnh Trọng Tuyến, hay anh Cứ Mí Tính không chỉ là những điển hình về sự sáng tạo, kiên trì mà còn là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững tại các vùng cao.

Phát triển kinh tế nông nghiệp vùng cao không chỉ là câu chuyện về sản xuất mà còn là một hành trình vượt qua khó khăn, sáng tạo trong tư duy và áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế. Những tấm gương nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp tại Hà Giang đã chứng minh rằng, chỉ cần có quyết tâm, sáng tạo, và sự hỗ trợ đúng đắn, Hà Giang không chỉ sản xuất nông sản mà còn tạo thành những hàng hóa giá trị lan tỏa thị trường trong và ngoài nước./.

Xuân Hiếu