Thực hiện Công văn số 1570/UBND-VHXH ngày 30/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, về việc cho chủ trương Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ X năm 2024. UBND huyện Đồng Văn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Nhằm quảng bá hiệu quả và thu hút đông đảo du khách tham gia chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X năm 2024, cùng các sự kiện du lịch đặc sắc của 4 huyện trong khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Chương trình diễn ra từ đầu tháng 11 cho đến hết năm 2024, trong đó có chuỗi các hoạt động tại huyện Yên Minh đặc sắc. Được tổ chức Chợ đêm tại thị trấn Yên Minh, thời gian: Từ 19 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút, tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, Địa điểm: Tại đường đôi Trung tâm Hội nghị huyện. Các hoạt động trong khu vực Chợ đêm: Trưng bày các sản phẩm đặc trưng và Gian hàng ẩm thực; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Chợ đêm: Tại 6 các phiên chợ đêm tổ chức chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc do Đoàn nghệ thuật không chuyên huyện; Huyện đoàn và UBND các xã, thị trấn thực hiện.
Theo đó, khách du lịch sẽ được tham quan, trải nghiệm tại các điểm trên địa bàn huyện Yên Minh trong mùa lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2024 như; Rừng thông xã Na Khê, điểm dừng ngắm cảnh khu di tích Tường thành Lũng Hồ và kiến trúc nghệ thuật Đồn Pháp. Điểm dừng ngắm toàn cảnh trung tâm xã Lũng Hồ. Điểm dừng ngắm toàn cảnh hẻm vực Nậm Lang và trụ đá xã Lũng Hồ. Điểm dừng thăm quan Hợp tác xã Dệt vải người Tày xã Du Già. Điểm dừng thăm quan trải nghiệm tại Thác nước Ba Tiên, thôn Thâm Luông, xã Du Già. Điểm dừng chân thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải…
Trong đó đặc biệt du khách được thăm quan trải nghiệm cây chè cổ thụ và Rừng chè Shan tuyết cổ thụ Ngam La. Rừng chè san tuyết cổ thụ Hà Giang nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, được biết đến với những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm. Với những thân cây lớn, tán lá xanh mướt, rừng chè không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là một biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống của người dân bản địa. Hòa quyện giữa thiên nhiên và văn hóa Khi đến rừng chè san tuyết, du khách sẽ được đắm mình trong bầu không khí trong lành, thưởng thức những chén trà thơm ngon được chế biến từ những búp chè tươi tốt nhất.
Hà Giang được thừa hưởng khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù nên chè ở đây búp to, được phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Các gốc chè có thâm niên tới hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp trà to khác với các loại chè khác; người hái phải trèo lên mới thu hoạch được. Trong các khu rừng tự nhiên của Hà Giang, cây chè Shan mọc lẫn với các loại cây rừng khác. Quá trình du cư đến sinh sống, đồng bào phá rừng làm nương và giữ lại các cây chè, tiếp tục khai thác. Có những nơi, đồng bào còn trồng bổ sung bằng hạt, tạo nên những nương chè hỗn giao theo dạng chè rừng.
Không chỉ vậy, nơi đây còn là điểm dừng chân lý tưởng để thưởng thức món ăn đặc sản của vùng núi phía Bắc, như cơm lam, thịt gác bếp hay các loại rau rừng. Đặc biệt, trong mùa lễ hội hoa tam giác mạch, không gian rừng chè càng trở nên thu hút khi các du khách có thể kết hợp tham quan, chụp ảnh kỷ niệm giữa sắc trắng, hồng của hoa tam giác mạch và màu xanh của chè.
Sự kết hợp tuyệt vời này hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tưởng như chỉ có trong mơ. Khám phá và trải nghiệm Khi tham quan rừng chè san tuyết, du khách có thể tham gia vào các hoạt động thú vị như hái chè, tham gia cùng người dân chế biến trà, hoặc đơn giản chỉ là đi dạo và chụp những bức ảnh đẹp.
Du khách trải nghiệm cách chế biến chè san tuyết của người dân bản địa cũng rất đặc biệt và thú vị. Chè Shan Tuyết Hà Giang được chế biến theo phương pháp thủ công của người Mông, người Dao… phải chế biến và bảo quản sao cho khéo léo để không làm hỏng mất vị và công dụng của chè Shan tuyết. Từ khâu hái che đến khi ra thành phẩm, người dân đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, chè tươi được hái về, chọn những búp chè không bị sâu, không quá già (lá bánh tẻ), sau đó sao trên chảo. Sao chè buộc phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh được.
Bên cạnh đó, khi sao chè phải luôn hơ tay trên chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong lúc sao, lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải thật khéo sao cho chè không bị vữa, không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Chè Shan tuyết sao thành công phải săn lại bằng hạt đỗ, tuyết phủ trắng và mang hương thơm thanh cao đặc trưng của núi ngàn.
Đây là cơ hội tuyệt vời để du khách tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây. Mùa lễ hội hoa tam giác mạch 2024 không chỉ là dịp để thưởng thức vẻ đẹp của hoa mà còn là cơ hội để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của rừng chè san tuyết cổ thụ. Đến Hà Giang, du khách không chỉ được thỏa mãn đam mê khám phá mà còn mang về những kỷ niệm tuyệt vời cùng những bức hình khó quên về một vùng đất giàu văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ và con người thân thiện và mến khách./.