Hà Giang: Những mái ngói độc đáo nơi vùng biên Tổ quốc

Hà Giang, vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc, không chỉ nổi tiếng với những con đường đèo dốc uốn lượn, những cánh đồng hoa tam giác mạch rực rỡ mà còn gây ấn tượng với những mái ngói độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây.
jpg-1732538657.jpg
Con dốc đến vùng Cao nguyên đá Hà Giang được nhiều khách du lịch check in nhất.

Trong chuyến hành trình khám phá vùng biên giới, chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc mái ngói độc đáo, thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người dân miền biên viễn.

Khi đặt chân đến các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc hay Yên Minh của tỉnh Hà Giang du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những mái ngói độc la như được hoạ sĩ vừa khéo chấm màu trang điểm. Những viên ngói được xếp thẳng hàng, ngay ngắn nối vào nhau như những vẩy rồng trong truyền thuyết nổi bật giữa sắc xanh của rừng núi và màu hồng tím của hoa tam giác mạch cùng những cành mận, cành mai nở hoa trắng xoá bên chiếc cổng đá màu rêu. Những ngôi nhà sàn, nhà tường gạch hay nhà trình tường của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày... đều được lợp ngói âm dương hoặc ngói vẩy cá, vừa mang giá trị thẩm mỹ vừa thể hiện sự chắc chắn, bền vững.

hieu-1732538484.jpg
Khoảng trống ở giữa ngôi làng như một sân khấu giao lưu văn hoá của đồng bào với du khách.

Bên cạnh những mái ngói theo lối kiến trúc âm dương thì từ lâu kiến trúc cổ truyền của người Mông vùng Cao nguyên đá Hà Giang đã trở thành một đặc sản khiến không ít người tìm đến để một lần được thấy tận mắt. Trong khắp hành trình của cung đường Hạnh Phúc, bất kỳ du khách nào cũng đều bị hấp dẫn bởi những bờ rào đá đặc trưng của đồng bào Mông và khi bước qua cánh cổng khám phá kiến trúc bên trong còn khiến những người miền xuôi thêm ngỡ ngàng với nếp nhà trình tường mang đặc trưng của vùng núi đá Hà Giang.

Từ vật liệu đơn giản là đất đỏ, người Mông đã tạo ra kiến trúc độc đáo vừa thân thiện vừa hài hòa với thiên nhiên. Những bức tường dầy 40 cm được làm hoàn toàn bằng đất tạo cho khung cảnh Cao nguyên đá Hà Giang hoang sơ được tô điểm những nét chấm phá đậm chất riêng. Kiến trúc cổ của người Mông từ lâu được biết đến là mang lại cho chủ nhân sinh sống trong ngôi nhà đó được ấm cúng về mùa Đông, mát về mùa Hè và sự phòng thủ tốt trước những đe dọa từ bên ngoài.

hieu-3-1732538557.jpg
Mái nhà như được hoà sĩ điểm màu lên từng viên ngói là điểm nhấn hút khách du lịch đến với vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Quay trởi lại ngói âm dương, với hình dáng như những nửa vầng trăng lồng vào nhau, không chỉ tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho ngôi nhà mà còn có tác dụng thoát nước tốt trong mùa mưa. Ngói vẩy cá, với lớp ngói xếp chồng lên nhau, giúp giữ ấm cho ngôi nhà vào mùa đông lạnh giá, đồng thời cũng thể hiện sự khéo tay, biết ứng dụng thiên nhiên vào cuộc sống của người dân nơi đây.

Chị Liên du khách từ Hà Nội lên vùng Cao nguyên đá Hà Giang chia sẻ: Tôi thật sự ngỡ ngàng khi bước chân tới đây. Tôi không nghĩ thực tế nó lại đẹp đến như vậy, quá thật là chuyến đi này quá xứng đáng nhất là những ai muốn trải nghiệm và khám phá, những điều thú vị về vẻ đẹp văn hoá nơi này.

Mái ngói không chỉ là những viên ngói được làm bằng vật liệu xây dựng thông thường, mái ngói còn gắn liền với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc. Mái ngói là nơi lưu giữ những ký ức, những câu chuyện của gia đình. Trong mỗi ngôi nhà, mái ngói không đơn thuần là che mưa, che nắng mà còn là nơi chào đón những cuộc sum họp gia đình, nơi diễn ra những nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Người dân nơi đây, vẫn gìn giữ những phương pháp xây dựng truyền thống, từ chọn ngói, lợp ngói cho đến trang trí mái ngói bằng những họa tiết gần gũi với thiên nhiên. Những người thợ lợp ngói, thường là những người cao niên trong bản, với bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh tường, đã truyền lại cho thế hệ trẻ không chỉ nghề lợp ngói mà cả tình yêu tâm huyết và chăn trở đối với văn hóa của quê hương mình.

hieu-4-1732538805.jpg
Góc nhìn từ trên cao của những ngôi làng có mái ngói độc đáo nơi Cao nguyên đá Hà Giang.

Trong bối cảnh đô thị hóa và hiện đại hóa ngày càng tăng, việc bảo tồn những mái ngói độc đáo này đang trở thành vấn đề cấp bách. Nhiều tổ chức và cá nhân đã bắt tay vào các dự án bảo tồn văn hóa, nhằm gìn giữ kiến trúc truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương, đồng thời giúp người dân nâng cao đời sống từ du lịch.

Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân trong việc gìn giữ kiến trúc mái ngói truyền thống. Những lớp học về xây dựng, lợp ngói đã được tổ chức, được các già làng trưởng bản truyền dạy những phương pháp, kỹ thuật lợp ngói cho thế hệ trẻ mai sau. 

Các già làng lo rằng mãi về sau này nếu không còn ai biết được các kỹ thuật này, thì những mái ngói độc đáo mang bản sắc riêng biệt của bà con nơi đây có còn được lưu truyền hay mai một. Du khách có còn cơ hội được nhìn ngắm vẻ đẹp quyên rũ nhưng mang đầy giá trị lịch sử văn hoá nằm trên những triền núi xanh mướt kia không? Đó là những băn khoăn của những bậc cao niên trong bản làng vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Những mái ngói độc đáo nơi vùng biên Hà Giang không chỉ là một phần của di sản văn hóa mà còn là biểu tượng sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Bảo tồn những giá trị này không chỉ là trách nhiệm của các già làng, trưởng bản, cộng đồng mà còn của mỗi chúng ta, để thế hệ mai sau có thể hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của bà con các dân tộc vùng biên cương xa nhớ. Hãy đến Hà Giang, khám phá những mái ngói độc đáo và cùng hòa mình vào nhịp sống tràn đầy màu sắc của vùng biên cương Tổ quốc./.

Xuân Hiếu