Khai thác thế mạnh, nâng tầm ngành thủy sản Thanh Hóa

Thanh Hóa, với bờ biển dài 102 km và vùng biển rộng 17.000 km2, sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển ngành thủy sản. Đây là một trong những ngư trường quan trọng của cả nước, có tính đa dạng sinh học cao với 7 cửa lạch lớn nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
thuy-san-thanh-hoa-1-1739062546.png
Thanh Hóa có bờ biển dài 102 km và vùng biển rộng 17.000 km2, sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển ngành thủy sản.

Vùng ven biển Thanh Hóa bao gồm 6 huyện, thị xã, thành phố, là nơi tập trung phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, với các hoạt động nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến thủy sản. Ngành thủy sản đã thu hút khoảng 25.000 lao động trực tiếp tham gia trên biển.

Nhờ những lợi thế về biển, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, ngành thủy sản Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có trên 6.500 tàu cá, trong đó có hơn 1.100 tàu khai thác vùng khơi, gần 900 tàu khai thác vùng lộng và 4.733 tàu cá khai thác vùng ven bờ. Sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt trên 140.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng là một thế mạnh của Thanh Hóa. Tỉnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ cao, nuôi trong nhà màng, nhà lưới với diện tích với diện tích nuôi khoảng 220ha. Ngoài ra, còn có khoảng 70.000 m3 thể tích nuôi lồng bè với hàng nghìn lồng nuôi cá biển và cá nước ngọt, sản lượng đạt khoảng 1.500 tấn/năm.

thuy-san-thanh-hoa-1-1739062731.jpg
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ cao tại Thanh Hóa có diện tích  khoảng 220ha.

Song song với đó, Thanh Hóa cũng chú trọng phát triển ngành chế biến thủy, hải sản với khoảng 80 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản chính ngạch. Các mặt hàng chủ yếu bao gồm chả cá surimi, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, bột cá, nước mắm, mắm tôm, mắm tép... và được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Thanh Hóa năm 2024 đạt trên 110 triệu USD.

thuy-san-thanh-hoa-2-1739062860.jpg
Nước mắm và Mắm tôm Lê Gia, là 2 sản phẩm OCOP 5 sao của Thanh Hóa thuộc lĩnh vực thủy sản.

Ngành thủy sản Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành thủy sản Thanh Hóa cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất thủy sản còn nhỏ, lẻ, phân tán, số lượng tàu cá khai thác vùng khơi còn ít, năng lực khai thác thủy sản còn hạn chế. Trình độ nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, dẫn đến vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tình trạng khai thác IUU vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Để ngành thủy sản Thanh Hóa phát triển bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cần tăng cường đầu tư cho tàu cá khai thác vùng khơi, nâng cao năng lực khai thác thủy sản. Nâng cao trình độ nhận thức của ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng khai thác IUU. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với sự quan tâm đầu tư và các giải pháp hiệu quả, ngành thủy sản Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Hà Khải