Lễ hội xin lửa "lấy đỏ" độc đáo này của làng An Định là buổi lễ "giã hội", tức là kết thúc toàn bộ các hoạt động lễ hội của làng trong dịp đầu năm mới. Các cụ cao niên sẽ mang tất cả đồ vàng mã được người dân và khách thập phương cúng tế trong suốt cả dịp tết ra sân đình "hóa". Người dân làng và du khách thập phương sẽ dùng hương, nến làm vật xin lửa từ sân đình mang về bàn thờ gia đình gọi là lấy đỏ đầu năm.
Thời tiết thuận lợi ôn hòa, tiết trời khô ráo, se lạnh của buổi tối 11 tháng Giêng xuân Ất Tỵ 2025 khiến cho việc tổ chức lễ hội xin lửa lấy đỏ diễn ra hết sức thuận lợi. Ngay từ chập tối, dân làng và du khách đã nô nức kéo tới tụ hội trước sân đình, chờ đợi các bô lão trong làng làm lễ tế Thành hoàng làng trước khi nổi lửa hóa vàng.
Năm nay, lễ hội xin lửa lấy đỏ làng An Định được góp vui bởi đội múa lân trong làng. Trước giờ các bô lão chính thức nổi lửa hóa vàng, pháo hoa và những điệu múa lân đã khiến dân làng và du khách thêm náo nức, sân đình nhộn nhịp, rộn ràng tiếng nói cười.
Sau màn pháo hoa là lúc các vị bô lão trong làng chính thức nổi lửa với ngọn lửa được lấy từ trong ban thờ đình làng, "hóa" tất cả khối vàng mã trong sự náo nức chờ đợi xin lửa của dân làng.
Những bó hương đầu tiên đã được thắp sáng, những người đã xin được lửa nhanh chóng lùi ra, mang lửa về nhà, nhường chỗ cho những người khác. Ngọn lửa trên sân đình bừng cháy càng lúc càng to.
Sức nóng hừng hực của ngọn lửa khiến vòng người nhanh chóng tản rộng để lấy lửa từ xa do không chịu được khi đến gần đống vàng mã đang bốc cháy rừng rực.
Dân làng buộc phải sử dụng các cây sào dài và các dụng cụ khác để châm hương và lấy lửa từ xa nhằm giảm bớt sức nóng từ đám lửa rực cháy trên sân đình. Đồng thời, nhiều người phải chia nhỏ đống lửa lớn thành từng đám lửa nhỏ để giảm bớt sức nóng, thuận tiện cho việc xin lửa.
Sau khi lấy được lửa, người xin lửa làm lễ vái lạy Thành hoàng làng rồi nhanh chóng đưa lửa về với căn nhà, căn bếp của mình, mang về thắp tại bàn thờ gia đình, cầu mong cho một năm mới được may mắn, bình an, công việc thuận lợi, suôn sẻ và gia đình sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Những người dân làng ở xa phải sử dụng các bó hương rất dài, để đủ thời gian giữ lửa và mang được ngọn lửa linh thiêng xin được về với căn nhà của mình.
Chị Nguyễn Thị Lương, về làm dâu ở làng An Định đã được 13 năm. Năm nào vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, chị Lương cũng ra ngoài đình làng để xin lửa lấy đỏ.
Ngay khi xin được lửa lấy đỏ cầu may, chị Lương lập tức làm lễ tạ Thành hoàng làng rồi vội vàng mang lửa về với căn nhà của gia đình mình. Chị cho biết, tuy đã đi nhiều nơi, nhưng chỉ có duy nhất ở quê chồng chị có tục lệ đặc biệt cầu may đầu xuân năm mới như vậy.
Về tới nhà, chị lập tức mang lửa đỏ lên gian thờ, thành tâm làm lễ và kính cẩn cắm những cây hương vừa xin được lửa lên bàn thờ gia tiên. Chị Lương cho biết: "Hàng năm, cứ ngày 11 tháng Giêng đầu xuân, làng em có tục lệ xin lộc đỏ về nhà. Để cầu cho một năm thuận buồm xuôi gió, mọi điều như ý, may mắn, thành công và cầu được ước thấy".
Chị Lương chia sẻ thêm, dân làng ở đây là những con người tuyệt vời, cuộc sống của mọi người về cơ bản đều ấm no, hạnh phúc và thành đạt. Việc có được lễ hội văn hóa đặc sắc này là vốn quý của làng Anh Định. Điều này luôn được dân làng ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy hàng năm, với mong ước được thành hoàng làng phù hộ, để mang sự ấm áp, sung túc của năm mới về với gia đình mình, cầu mong cả năm căn bếp lúc nào cũng được đỏ lửa ấm no.
Lúc này, ngoài sân đình, người dân kéo tới xin lửa lấy đỏ càng lúc càng đông. Đội múa lân tiếp tục biểu diễn trong tiếng trống chiêng rộn rã.
Đám lửa trên sân đình thu nhỏ dần, báo hiệu một đêm hội xin lửa lấy đỏ nữa lại qua, kết thúc toàn bộ các hoạt động lễ hội của làng trong dịp đầu xuân năm mới. Mọi người lại hối hả trở lại với guồng quay của cuộc sống thường nhật, để bước vào một năm mới bộn bề lo toan với những nguyện cầu, mong ước sự ấm áp, sung túc, ấm no, may mắn, thành công và hạnh phúc cả năm đến với mọi nhà./.