Xuất khẩu nông lâm thủy sản tận dụng lợi thế kỳ vọng bứt phá những kỷ lục mới

Dự báo năm 2025 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có thể đạt từ 60-62 tỷ USD, tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các yếu tố như tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường và đẩy mạnh giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu và áp dụng công nghệ hiện đại.
xuat-khau-nong-san-1-1738457830.jpg
Tiếp nối kết quả xuất khẩu ấn tượng của năm 2024, các ngành hàng chủ lực như gạo, cà phê, trái cây, thủy sản và gỗ chế biến đều đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.(Ảnh minh họa)

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng trước những cơ hội đầy hứa hẹn

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội đầy hứa hẹn, mở ra một bức tranh tươi sáng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA và RCEP không chỉ là cầu nối đưa nông sản Việt đến gần hơn với các thị trường khó tính mà còn tạo điều kiện để các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.

Tiếp nối kết quả xuất khẩu ấn tượng của năm 2024, các ngành hàng chủ lực như gạo, cà phê, trái cây, thủy sản và gỗ chế biến đều đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Gạo xuất khẩu có thể đạt 6-6,5 tỷ USD, tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao và đặc sản, trong khi rau quả ước tính mang lại 8,5-9 tỷ USD nhờ các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, chuối và thanh long. Kim ngạch thủy sản dự kiến đạt 10,5-11 tỷ USD với sự đóng góp lớn từ tôm, cá tra và các sản phẩm chế biến giá trị cao. Lâm sản, đặc biệt là gỗ chế biến, có thể đạt 17-18 tỷ USD nhờ xu hướng tiêu dùng bền vững tại các thị trường lớn như EU và Mỹ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo ngành thủy sản năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể trở lại mốc xuất khẩu đạt 11 tỷ USD của năm 2022. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Điều này cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Khẳng định Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết nhờ nguồn cung rau quả ổn định, chất lượng ngày càng được cải thiện và tận dụng tốt cơ hội các FTA mang lại, ngành rau quả đã khai thác thành công nhiều thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản... Dự báo trong năm 2025, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế đang mở ra cơ hội lớn, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục duy trì kỷ lục mới với tốc độ tăng trưởng dự kiến trên 10% so với năm 2024.

xuat-khau-nong-san-2-1738457921.jpg
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cho năm 2025 với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 64-65 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này sẽ phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.(Ảnh minh họa)

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cho năm 2025 với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 64-65 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này sẽ phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tuy nhiên, những biến động của thị trường toàn cầu và các rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật có thể phát sinh sẽ là thách thức lớn của ngành nông nghiệp trong năm 2025

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành nông nghiệp đang gặp một số khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao thách thức tiêu chuẩn chất lượng. Do sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn.

Nhấn mạnh thách thức lớn trong giai đoạn tới nằm ở sự tăng trưởng, ông Hiếu cho rằng sau 3 năm tăng trưởng “nóng” có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định về tiêu chuẩn đang hiển hiện trước mắt khi các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng, thậm chí ngành hàng. Do đó, chú trọng tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng trong năm 2025.

Những giải pháp để nông nghiệp tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngoài việc tăng cường chất lượng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như trái cây tươi. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết rằng xu hướng hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chuẩn SPS trong khu vực ASEAN, Trung Quốc và Canada sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures) là các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật khỏi các nguy cơ từ dịch bệnh hoặc chất độc hại. Việc tuân thủ và nâng cấp các tiêu chuẩn này không chỉ giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường khắt khe mà còn khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm nông sản trên trường quốc tế.

“Câu chuyện an toàn thực phẩm đang ngày càng được quan tâm. Việc duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn này là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững trong xuất khẩu nông sản”, ông Nam nhấn mạnh.

xuat-khau-nong-san-4-1738457977.jpg
Những hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA và RCEP không chỉ là cầu nối đưa nông sản Việt đến gần hơn với các thị trường khó tính mà còn tạo điều kiện để các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.(Ảnh minh họa)

Về phương hướng, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết năm 2025 ngành nông nghiệp xác định mục tiêu kiến tạo không gian phát triển và tạo ra các động lực tăng trưởng mới của ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung cũng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu. Bộ phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, gia tăng vai trò của Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch./.

Trọng Bình