Như Thanh là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với nền nông nghiệp phong phú. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu dựa vào phương pháp truyền thống, với các kỹ thuật canh tác lạc hậu, nên năng suất và sản lượng chưa cao.
Trước những khó khăn, thách thức đó, huyện Như Thanh đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và cơ giới hóa trong canh tác. Đồng thời, huyện cũng tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ vốn vay, tập huấn kỹ thuắt, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng được triển khai rộng rãi, giúp người dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, giảm dần sự phụ thuộc vào phương thức canh tác truyền thống. Nhờ vậy, nền nông nghiệp của huyện đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình như mô hình trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao tại xã Xuân Thái. Các hộ dân đã áp dụng hệ thống tưới tự động, nhà màng, nhà lưới giúp kiểm soát sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng. Nhờ đó, thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể, sản phẩm rau sạch của xã cũng dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Hay như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học Tại xã Yên Thọ. Với hệ thống chuồng trại hiện đại, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ chăn nuôi tại đây đã liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị kinh tế.
Ngoài ra, một số hộ dân tại các xã Thanh Kỳ, Mậu Lâm đang tiên phong áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel vào sản xuất cây ăn quả như bưởi, cam, thanh long. Hệ thống tưới này không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn cung cấp dinh dưỡng chính xác cho cây trồng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xã Mậu Lâm trước đây trồng bưởi theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất bấp bênh, chất lượng quả không đồng đều. Từ khi chuyển sang ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, cây trồng phát triển ổn định, ít sâu bệnh hơn. Nhờ được cung cấp nước và dinh dưỡng hợp lý, bưởi có mẫu mã đẹp. Giá bán trung bình cũng tăng từ 20-30% so với trước đây.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều nông dân ở Như Thanh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất và đạt được những kết quả ấn tượng. Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Xuân Du, với mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng rau màu theo cách truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất bấp bênh. Từ khi ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nho đã cho sản lượng tăng lên 30-40%, sản phẩm đạt chất lượng cao và được các siêu thị thu mua với giá ổn định”.
Những mô hình trên cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực để Như Thanh tiếp tục nhân rộng, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh, trong năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 37.661 tấn, đạt 106,1% kế hoạch; tích tụ, tập trung 313,5ha đất, đạt 125,4% kế hoạch.
Chia sẻ về những thay đổi này, ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh, nhấn mạnh: “Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả”.
Với những thành công bước đầu và định hướng phát triển rõ ràng, nông nghiệp Như Thanh hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều "trái ngọt" nhờ ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, sự chung sức của chính quyền, người dân và doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ, đưa nền nông nghiệp huyện ngày càng hiện đại, bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng trong khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa./.