![hai-phong-xu-ly-rac-thai-nong-thon-1-1739417328.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/DoTrongDat/2025/02/13/hai-phong-xu-ly-rac-thai-nong-thon-1-1739417328.jpg)
Vấn đề xử lí rác thải ở khu vực nông thôn là chủ đề nóng tại thành phố Hải Phòng thời gian vừa qua, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó yếu tố cơ bản vẫn là vướng mắc về kinh phí, cơ chế. Do vậy, dù các địa phương đã dành sự quan tâm sát sao và xem là nhiệm vụ trọng tâm nhưng việc xử lí vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể triệt để, ảnh hưởng đến môi trường ở nông thôn.
Tại huyện Tiên Lãng hiện có 24 bãi rác tạm đang hoạt động, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng các phương pháp chôn lấp thủ công và ủ rác thải hữu cơ bằng men vi sinh với tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh phải xử lý khoảng 120 tấn/ngày.
Theo ông Phạm Xuân Hòa - Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng thông tin cho biết, việc xử lý rác thải trên địa bàn huyện Tiên Lãng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế chính sách, hạn chế về kinh phí... Tuy nhiên, địa phương đã rất nỗ lực và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để thực hiện.
Đơn cử như trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08 về việc đẩy mạnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Tiên Lãng; tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai Nghị quyết tới các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện.
Cụ thể hóa chủ trương này, ngay sau đó, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành Kế hoạch số 172 để triển khai thực hiện. Song song với đó, các phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện Tiên Lãng đã đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ Bắc vào Nam để tìm kiếm giải pháp tối ưu cho vấn đề rác thải. Tuy vậy, qua khảo sát các mô hình cho thấy chi phí và công nghệ chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng về kinh tế, kỹ thuật, pháp lý và khả năng thực thi.
“Hiện nay, phí thu gom rác thải từ người dân ở khu vực nông thôn tối đa là 20 nghìn đồng, còn khi chi phí xử lý theo quy định của Hải Phòng cũng chưa phải là cao trong khi đó mức giá các doanh nghiệp đưa ra có nơi cao hơn gấp đôi. Đây là vấn đề khó khăn nhất, muốn nhưng rất khó để tiếp cận”, ông Hòa cho hay.
![hai-phong-xu-ly-rac-thai-nong-thon-3-1739417429.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/13/hai-phong-xu-ly-rac-thai-nong-thon-3-1739417429.jpg)
Để giải quyết vấn đề cấp bách, huyện tập trung xử lý các điểm nóng ô nhiễm, huy động tối đa nguồn lực, hỗ trợ về hạ tầng và thu hút đầu tư tư nhân. Công tác hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật được ưu tiên, cụ thể là cung cấp điện ba pha cho các cơ sở xử lý rác.
Về cơ chế, huyện đang tích cực tham mưu ban hành nghị quyết chuyên đề về quản lý và xử lý chất thải rắn. Đồng thời hợp tác với Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao ý thức cho người dân và năng lực xử lý rác thải cho các địa phương.
Kết quả, đến hết năm 2024, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Lãng đã tổ chức triển khai phân loại rác thải tại nguồn đến từng hộ gia đình, đặc biệt huyện đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể học sinh các trường học trên địa bàn huyện.
Tại một số điểm nóng về rác thải sinh hoạt của huyện Tiên Lãng tại các xã như: Quyết Tiến, Quang Phục, Cấp Tiến với tổng khối lượng rác khoảng 8.000m3, sau khi được tập trung xử lý đến nay, lượng rác thải tồn đọng nhiều năm qua tại các bãi rác trên đã được xử lý cơ bản, giảm gây ô nhiễm môi trường, giải phóng phần mặt bằng bãi rác lấy diện tích xử lý rác thải phát sinh hằng ngày.
Với trách nhiệm đơn vị quản lý chất thải rắn nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, trên cơ sở đó tham mưu với thành phố hướng giải quyết phù hợp.
![hai-phong-xu-ly-rac-thai-nong-thon-2-1739417483.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/13/hai-phong-xu-ly-rac-thai-nong-thon-2-1739417483.jpg)
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khu vực ngoại thành phát sinh 950 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được UBND huyện giao UBND các xã tổ chức quản lý các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý. Việc xử lý rác khu vực ngoại thành chủ yếu chôn lấp tại bãi tạm. Đến thời điểm này, còn 92 bãi đang hoạt động. Hầu hết bãi rác tạm được hình thành tự phát, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đứng quy định; không có hệ thống thu gom hay vải địa ngăn sự rò rỉ nước của chất thải.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Thuấn, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, để bảo đảm sự vận hành quản lý đồng bộ chất thải rắn khu vực ngoại thành, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 27/NQHĐND ngày 20/7/2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện Nghị quyết 27, UBND thành phố có Kế hoạch số 260/KHUBND ngày 21/11/2022. Tại văn bản này, quan điểm của thành phố đến năm 2050 sẽ đóng cửa 100% bãi rác tạm; đầu tư 27 bãi rác tạm thành bãi rác hợp vệ sinh. 1 bãi rác tiếp nhận, xử lý lượng rác của từ 2-3 xã chung quanh và ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn thành phố.
Cùng với đó, để bảo đảm vận hành quản lý thống nhất trong thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, ngày 20/3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1186/STNMT-QLCTR đề nghị UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tham gia ý kiến vào đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường phục vụ xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp tham mưu thuê đơn vị tư vấn lập đề cương, dự toán “Định mức, đơn giá công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố", làm cơ sở định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Khi quy định này chính thức thông qua, bảo đảm thống nhất trong quản lý rác ở khu vực thành thị và khu vực ngoại thành./.
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải rắn sinh hoạt tới môi trường và sức khỏe con người; đảm bảo cảnh quan, môi trường khu vực đô thị, vùng nông thôn trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ngày 03/01/2025, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố năm 2025, với mục tiêu:
- 100% các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và duy trì hiệu quả ổn định, bền vững.
- Đảm bảo 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Phấn đấu 99% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.
Nội dung thực hiện:
- Việc tổ chức lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023, khoản 1 Điều 77, khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định.
Yêu cầu các quận, huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố năm 2025 dựa trên công tác quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo sự ổn định trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.