![tong-bi-thu-to-lam-hop-quoc-hoi-1-1739431973.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/13/tong-bi-thu-to-lam-hop-quoc-hoi-1-1739431973.jpg)
Đưa đất nước phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân mới là điều mong mỏi nhất
Sáng nay 13/2, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) về 03 nội dung: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phát biểu tại thảo luận Tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy được Nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Điều này cho thấy chủ trương đúng, đáp ứng mong đợi của người dân. Mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển, muốn bứt phá phải sắp xếp, tinh gọn. Đây cũng là thời điểm chín muồi để thực hiện và được người dân đồng tình. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân – đây là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra.
Vì vậy, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình tổ chức bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
![tong-bi-thu-to-lam-hop-quoc-hoi-2-1739432031.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/13/tong-bi-thu-to-lam-hop-quoc-hoi-2-1739432031.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy, trong quá trình thực hiện đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
“Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để toàn dân thực hiện. Bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động, mà phải phù hợp với Quốc hội, phù hợp với Chính phủ, phù hợp với các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách. Chúng ta cũng cần kiểm điểm, đánh giá hàng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Mặc dù vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn thấp so với thế giới; nguy cơ tụt hậu của nước ta cũng được Đảng ta nhận diện từ sớm, trong đó nguy cơ tụt hậu là một trong bốn nguy cơ; nguy cơ này vẫn đang hiện hữu, thậm chí còn phức tạp hơn, vì các quốc gia trên thế giới đang phát triển nhanh.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ 2 nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiều nhiệm vụ phải làm để đạt mục tiêu trên.
Thứ nhất phải có sự tăng trưởng, từ đó nâng cao đời sống nhân dân, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên các mặt. Đây là mục tiêu xuyên suốt. Không thể nói tăng trưởng mấy con số mà đời sống nhân dân không thay đổi, nếu vậy tăng trưởng đi đâu?
Thứ hai là tinh gọn mô hình tổ chức bộ máy và hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, để huy động sức mạnh toàn xã hội. Cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ để nâng cao thực thi pháp luật.
“Mô hình sắp xếp làm rồi, dân đồng tình rồi, từ Trung ương đến Quốc hội, Chính phủ, cơ sở. Còn làm thế nào thì đang sửa quy định pháp luật. Tiếp đó bố trí cán bộ thực thi nhiệm vụ, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” – Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến mục tiêu phát triển con người – động lực phát triển của đất nước, cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
“Cần tính đến các cơ chế hành pháp, tính công bằng pháp quyền, mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta tăng cường phòng, chống tham nhũng để chứng minh được được bộ máy hành chính liêm chính… Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước, của chính quyền”, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.
![tong-bi-thu-to-lam-hop-quoc-hoi-3-1739431956.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/DoTrongDat/2025/02/13/tong-bi-thu-to-lam-hop-quoc-hoi-3-1739431956.jpg)
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đạt được mục tiêu tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, có nhiều giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu quan trọng.
Tổ chức bộ máy nhà nước phải động viên được Nhân dân tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước; Cần xác định điểm nghẽn cản trở mục tiêu phát triển hai con số trong khi tiềm năng của chúng ta rất lớn; Cần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân; thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ…
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng phân tích, Nghị quyết của Trung ương nhiều khóa đã đánh giá bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Khóa XIII tiêp tục tiến hành tổng kết, triển khai, bởi bây giờ là thời cơ vàng, chuẩn bị cho Đại hội XIV.
Trong quá trình trên đều có nghiên cứu rất kỹ từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm các nước và thấy rằng các nước đều tính đến hiệu quả bộ máy, sự hài lòng của nhân dân, có tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu năng của bộ máy; quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng và đổi mới của chính quyền.
“Để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thì bộ máy, chính sách pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, toàn dân phải thực hiện chứ không phải chỉ cho Quốc hội, Chính phủ, bộ này bộ kia” - Tổng Bí thư lưu ý./.
Trước đó, tại phiên thảo luận Tổ 01, các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến các luật liên quan đến tổ chức bộ máy là rất kịp thời, đáp ứng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Các dự thảo luật đã bám sát theo yêu cầu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính, trị, đã thể hiện rõ tư duy đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiến tạo phát triển. Điểm mới chung của 2 dự án luật này là tập trung sửa đổi thẩm quyền cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đồng tình cao với quan điểm phân cấp, phân quyền – đây là cơ chế để giải quyết hiệu quả các nút thắt hiện nay, bởi không phân cấp, trao quyền sẽ khó cho cơ quan thực thi cấp dưới. Tuy nhiên, để phân cấp được hiệu quả cần gắn với trao quyền. Luật không nên quy dịnh cụ thể, chi tiết cách thức thực hiện, mà chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, yêu cầu khi trao quyền cho địa phương, còn việc thực hiện như thế nào do địa phương thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, phân cấp, phân quyền cần gắn liền với công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực. Cùng với đó, không nên quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, chỉ nên quy định về quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc. Bởi phương pháp thực hiện phụ thuộc vào tư duy của mỗi người, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, về điều kiện thực hiện quyền lực, trong đó quy định nhiệm vụ nào có thể phân quyền thì phân quyền ngay cho địa phương, bởi phân cấp được quy định trong luật, nhưng phân quyền lại được quy định trong các văn bản dưới luật.
Đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị nới rộng cơ chế phân cấp và ủy quyền, giúp tháo gỡ và giảm thủ tục hành chính. Đại biểu nêu thực tế, các vướng mắc xảy ra nhiều nhất là các địa phương hỏi bộ ngành, do đó cần phân cấp nhiều hơn cho chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh; cấp tỉnh có quyền được phân cấp nhiều hơn cho cấp sở, ngành và cấp huyện. Bên cạnh bổ sung quy định phân cấp cho các thủ trưởng đơn vị trực thuộc, có thể phân cấp cho các tổ chức đáp ứng được yêu cầu và ủy quyền cho các cá nhân đáp ứng được yêu cầu...