![nong-nghiep-an-giang-3-1739410351.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/13/nong-nghiep-an-giang-3-1739410351.jpg)
Tại hội nghị tổng kết phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, năm 2024, ngành Nông nghiệp của An Giang đạt mức tăng trưởng gần 3,7% đúng theo kịch bản đề ra, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế chung của tỉnh. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đã thực hiện tốt các chỉ tiêu quan trọng, đến cuối năm có thêm 5 xã nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu…
Về lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng cả năm đạt hơn 667.000 hecta, tăng so với năm ngoái. Cụ thể, diện tích xuống giống lúa đạt gần 620.000ha với năng suất bình quân ước đạt gần 66 tạ/ha. Đối với, lĩnh vực cây lâu năm cũng có bước tiến đáng kể. Toàn tỉnh trồng mới khoảng 1.700 hecta cây lâu năm, nâng tổng diện tích hiện có gần 22.000 hecta. Trong đó, cây ăn trái chiếm tỷ lệ cao, với diện tích hơn 18.000 hecta.
Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, dù gặp nhiều thách thức, việc kiểm soát dịch bệnh đã giúp ổn định số lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng lên gần 7,2 triệu con. Đặc biệt, nghề nuôi chim yến có xu hướng phát triển bền vững với sản lượng tổ yến đạt khoảng 11 tấn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản của An Giang cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Diện tích rừng được chăm sóc và bảo vệ đều vượt chỉ tiêu với gần 2.400 hecta. Công tác trồng rừng tập trung, gieo ươm và chăm sóc cây phân tán đều được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng nguồn tài nguyên rừng. Trong lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng nuôi trồng đạt gần hơn 700.000 tấn, với sản lượng cá tra chiếm phần lớn.
“Quy mô, diện tích nuôi thủy sản đã có chuyển dịch khá rõ nét. Song song đó, tín hiệu tích cực từ các thị trường; ngành hàng cá tra từng bước khởi sắc và diện tích nuôi ngày càng củng cố và nâng chất. Hiện nay còn một số sản phẩm, loại cá khác cũng có tín hiệu tốt như cá rô phi”, ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết thêm.
![nong-nghiep-an-giang-4-1739410325.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/DoTrongDat/2025/02/13/nong-nghiep-an-giang-4-1739410325.jpg)
Theo ông Ngô Công Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những kết quả của ngành nông nghiệp không chỉ giúp tỉnh An Giang đạt được các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của toàn ngành. Ông Thức nhấn mạnh, việc chủ động phối hợp giữa các địa phương trong xây dựng kế hoạch liên kết tiêu thụ nông sản, bố trí cơ cấu giống phù hợp với mùa vụ, cùng với sự quan tâm đầu tư vào công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất chính là những yếu tố then chốt đưa ngành nông nghiệp bước qua giai đoạn khó khăn toàn cầu.
Năm 2025 được đánh dấu là cột mốc quan trọng khi là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp trong năm 2025 là hiện đại hóa sản xuất, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, tăng trưởng hợp lý và sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra cho năm 2025 là phải đạt tăng trưởng toàn ngành khoảng 4,8%. Con số này thể hiện sự kỳ vọng vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất thông qua đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mở rộng hệ thống nông thôn mới, dự kiến có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Những mục tiêu này nhằm tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho người dân nông thôn, góp phần thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cải thiện hạ tầng cơ sở, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh được nâng lên đạt 96,5% trong năm 2025, đảm bảo điều kiện sống lành mạnh và góp phần giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe cho cộng đồng.
Bảo vệ môi trường và phát triển lâm nghiệp, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trồng tập trung ổn định ở mức 3,5% cùng với nâng cao chất lượng rừng là mục tiêu quan trọng nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai.
![nong-nghiep-an-giang-1-1739410477.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/13/nong-nghiep-an-giang-1-1739410477.jpg)
Ông Ngô Công Thức khẳng định, năm 2025 sẽ là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Để đạt được những chỉ tiêu này, ngành nông nghiệp cần tập trung vào việc tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sự kết hợp giữa phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới sẽ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện đời sống cũng như tạo nên hệ thống kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Những kết quả đạt được không chỉ giúp tỉnh An Giang đạt được các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của toàn ngành. Xác định, nông nghiệp vẫn tiếp tục là “trụ đỡ”, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang./.