Phục hồi rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản với công nghệ tuần hoàn dựa vào thiên nhiên

Dự án hướng đến khôi phục 9ha rừng ngập mặn trong đê biển và hỗ trợ 22 hộ dân chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm đơn thuần sang hệ thống nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn với công nghệ tuần hoàn (RAS).

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với các bên liên quan tổ chức họp khởi động dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển ĐBSCL thông qua phục hồi rừng ngập mặn và các giải pháp dung hòa dựa vào thiên nhiên”.

phuc-hoi-rung-ngap-man-4-1737649599.jpg
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với các bên liên quan tổ chức họp khởi động dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển ĐBSCL". (Ảnh CTV)

Dự án được tài trợ bởi Quỹ Coca-Cola (TCCF) triển khai tại Sóc Trăng và Bạc Liêu trong giai đoạn 2024–2026. Dự án hướng đến khôi phục 9ha rừng ngập mặn trong đê biển và hỗ trợ 22 hộ dân chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm đơn thuần sang hệ thống nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn với công nghệ tuần hoàn (RAS).

Đây được xem là giải pháp dung hòa dựa vào thiên nhiên (hybrid NbS), giúp tăng khả năng phục hồi vùng ven biển, giảm khai thác nước ngầm và hạn chế tình trạng sụt lún đất. Buổi họp khởi động nhằm thảo luận tính khả thi và xây dựng kế hoạch phù hợp để đạt mục tiêu kép, giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ nguồn nước.

Dự án được thiết kế để giải quyết tình trạng thu hẹp vùng bờ và suy giảm khả năng phục hồi vùng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long thông qua thí điểm các giải pháp khôi phục rừng ngập mặn phía sau đê biển, nơi canh tác thủy sản của các hộ dân. Dự án sẽ được thực hiện tại hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng trong 3 năm (2024-2026).

phuc-hoi-rung-ngap-man-2-1737649639.jpg
Dự án được thiết kế để giải quyết tình trạng thu hẹp vùng bờ và suy giảm khả năng phục hồi vùng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua thí điểm các giải pháp khôi phục rừng ngập mặn phía sau đê biển, nơi canh tác thủy sản của các hộ dân. (Ảnh minh họa)

Tại Sóc Trăng, dự án dự kiến cung cấp chi phí vốn cho 22 hộ gia đình bao gồm thiết bị RAS, cây giống rừng ngập mặn và công tác đào đất để thiết lập lại chế độ tuần hoàn nước tự nhiên. Đồng thời, khôi phục 9 ha rừng ngập mặn trong đê biển; hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các hộ nông dân về giải pháp dung hòa dựa vào thiên nhiên.

Các đại biểu đã thảo luận tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, khả năng chấp nhận của cộng đồng với giải pháp dung hòa dựa vào thiên nhiên. Những giải pháp này được đề xuất với sự tham gia và phối hợp của ngành nông nghiệp, Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung, các xã thực hiện dự án tại tỉnh Sóc Trăng, IUCN, nông dân và các nhà khoa học.

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, nhằm thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và hỗ trợ tăng sinh kế cho người dân Sóc Trăng, Công ty Nước giải khát Coca Cola đã thông qua tổ chức IUCN-VN thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long thông qua phục hồi rừng ngập mặn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu giải quyết tình trạng thu hẹp đai rừng phòng hộ ven biển, bằng cách khôi phục rừng ngập mặn phía trong đê biển Đông; đồng thời chuyển đổi các trang trại nuôi tôm sang mô hình nuôi kết hợp tuần hoàn (RAS) và thủy sản dưới tán rừng, từ đó tăng cường khả năng phục hồi rừng ven biển.

phuc-hoi-rung-ngap-man-5-1737649588.jpg
Dự án kỳ vọng mang lại mô hình phát triển bền vững, góp phần khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ sinh kế cho người dân địa phương. (Ảnh minh họa)

Với địa hình thấp và dễ tổn thương, vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu đang chịu tác động nghiêm trọng từ nước biển dâng, xâm nhập mặn và sụt lún đất. Dự án kỳ vọng mang lại mô hình phát triển bền vững, góp phần khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ sinh kế cho người dân địa phương./.

Bình Nguyên