Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,64 tỷ USD, giảm 6,2%; các sản phẩm chăn nuôi đạt 39 triệu USD, giảm 9,3%; thuỷ sản đạt 750 triệu USD, tăng 0,3%; các mặt hàng lâm sản đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 4,8%...
![xuat-khau-nong-lam-thuy-san-1-1738915713.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/DoTrongDat/2025/02/07/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-1-1738915713.jpg)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhiều mặt hàng nông sản chính có sự giảm giá trị xuất khẩu rõ rệt so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 400 triệu USD, giảm 18,1%. Xuất khẩu gạo đạt 500.000 tấn, với 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hạt điều đạt 300 triệu USD, giảm 14,4% so với tháng 1/2024.
Tuy vậy, vẫn có một số mặt hàng tăng được giá trị xuất khẩu, điển hình là cao su và cà phê. Cụ thể, xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2025 ước đạt 140.000 tấn với 763 triệu USD, giảm 41,1% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1/2025 ước đạt 5.450 USD/tấn, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024. tương tự, xuất khẩu cao su đạt 180.000 tấn với giá trị 341 triệu USD, giảm 14,5% về khối lượng nhưng tăng 14,6% về giá trị.
![xuat-khau-nong-lam-thuy-san-3-1738915778.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/07/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-3-1738915778.jpg)
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định rằng việc giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2025 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024 sẽ khiến mục tiêu xuất khẩu của ngành trong năm 2025 có thể gặp những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đây mới là tháng đầu năm. Việt Nam có hệ thống sản xuất để duy trì đà tăng trưởng và về đích mục tiêu xuất khẩu.
Phân tích nguyên nhân khiến xuất khẩu nhiều loại nông sản suy giảm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay vừa qua, một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu có nhu cầu giảm.
Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023. Nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Nguyên nhân do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực. Nhưng, khi xác định được những nguyên nhân này, ngành sẽ xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Về thị trường xuất khẩu, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 47,9%. Tiếp theo là thị trường châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,8% và 11,4%. Xét theo thị trường chi tiết, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
![xuat-khau-nong-lam-thuy-san-2-1738915836.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/07/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-2-1738915836.jpg)
Nhận định về thị trường năm 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Hoa Kỳ sẽ có nhiều biến động. Việt Nam đã và đang xuất khẩu nông, lâm thủy sản sang hơn 200 thị trường. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất, chiếm tỷ trọng 21,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam trong tháng đầu năm.
"Tổng thống Hoa Kỳ đã ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa của Canada, Mexico, Trung Quốc. Dự kiến sẽ có những khó khăn, thách thức khi có những đối đầu trong thương mại giữa Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, được duy trì khá tốt. Việt Nam có Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ và đây là đầu mối để nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của thị trường này. Do vậy, những thông tin từ Tham tán, Sứ quán sẽ giúp ngành phân tích, thúc đẩy thương mại, tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ./.