Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Bắc

Ngày 18/12, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 16 với chủ đề "Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc".

Diễn đàn có 13 điểm cầu chính là: Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, nhiều sản phẩm rau quả của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đang trong thời gian thu hoạch, rất cần kết nối tiêu thụ. Qua diễn đàn có thêm cơ hội để các nhà bán lẻ, doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản trên cả nước tiếp xúc và biết thêm thông tin về nông sản phía Bắc.

Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có điều kiện thổ nhưỡng có thể phát triển sản xuất nhiều sản phẩm nông sản đặc hữu miền núi phía Bắc quanh năm. Huyện đang có 500 ha trồng chè hữu cơ chất lượng cao; 1.500ha trồng chuối; trong đó, 1.000 ha đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 3.000 ha canh tác lúa Séng cù; trên 100ha trồng trên 20 loại dược liệu… Nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đang gặp nhiều khó khăn.

204950-ha-noi-khai-mac-tuan-hang-ocop-tinh-quang-ninh-va-trai-cay-nong-san-cac-tinh-thanh-pho-nam-2021-1639819283.jpeg
Người dân Thủ đô hào hứng mua sắm tại hội chợ. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Qua diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát Lục Như Trung mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm rau chất lượng cao cho người nông dân. Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai cho biết thêm, tỉnh có những sản phẩm thế mạnh gồm: chuối, chè, dứa, rau ôn đới, quế và tiềm năng phát triển cá nước lạnh, với sản lượng khoảng 700 tấn.

Tỉnh lựa chọn 6 loại nông sản chủ lực để tập trung đầu tư, sản xuất, chế biến, tạo ra các chuỗi liên kết vùng. Đây là nhóm sản phẩm sẽ hướng tới sản xuất hữu cơ, lập mã số vùng trồng và đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Lào Cai có khoảng 1.600 ha dứa với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Tuy nhiên, mặt hàng này chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi, các nhà máy chế biến dứa hiện mới tiêu thụ khoảng 1/3. Tỉnh đang phải phân phối qua các kênh bán hàng nhỏ lẻ ở trong nước.

Ông Vi Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp VIGIA, tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, hiện công ty đang thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm khoai tây, khoai lang, thạch đen cho người dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay của công ty là thông qua các chợ đầu mối nông sản, nên việc tiêu thụ bị phụ thuộc và không ổn định. Do đó, công ty rất mong muốn được liên kết với các đơn vị để công tác tiêu thụ thuận lợi, ổn định hơn.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, các mặt hàng nông sản của các tỉnh phía Bắc hết sức phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 việc tiêu thụ bị ảnh hưởng rất nhiều. Để sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá bán hợp lý… sẽ dễ dàng được thị trường nội địa chấp nhận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật công nghệ mới nhất, đẩy mạnh việc bán hàng qua nhiều kênh khác nhau, sẽ giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh việc mua hàng trực tiếp đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Các địa phương cần hỗ trợ hợp tác xã, người dân nâng cấp phương tiện sản xuất, bán hàng để thích nghi tình hình mới.

Với sản phẩm cây ăn múi ở miền Bắc đang có sự cạnh tranh mạnh trên thị trường, bà Vũ Thị Hậu chỉ ra, các chợ, siêu thị đang có sự chênh lệch rất lớn, nên gây khó khăn cho tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng bối rối trong việc tiếp cận với những sản phẩm thực sự chất lượng. Do đó, các đơn vị sản xuất nên nghiên cứu để sớm có phương án điều chỉnh để giá cả không có sự chênh lệch lớn, tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn.

Hay với cá tầm, cá hồi của Lào Cai, bà Vũ Thị Hậu đánh giá đây là sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên có phương án đưa sản phẩm này vào tiêu thụ trong các siêu thị. Bởi lẽ hiện nay, với những sản phẩm này, các siêu thị vẫn chủ yếu phải nhập khẩu. Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung Anh là một doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên có 10ha làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm chính của Công ty là hoa lan hồ điệp và dưa lê, dưa lưới.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch HĐQT công ty mong muốn được ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên kết nối những sản phẩm nông sản của địa phương để doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ ra thị trường. “Doanh nghiệp mong muốn nông dân tham gia chuỗi sản xuất và cam kết sẽ cung cấp giống, sau đó sẽ thu mua, bao tiêu 100% sản phẩm của người dân”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa  chia sẻ thêm, hiện nay nông dân chỉ biết trồng, đến vụ thu hoạch giá lại rất rẻ do chưa biết cách bảo quản, sơ chế, chế biến. Ngoài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu khâu bảo quản và sơ chế sản phẩm. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp sẽ chuyển giao lại cho nông dân địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản được nâng chất lượng lên cao nhất, giảm giá thành xuống thấp nhất.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã kết nối cho các đơn vị ký kết biên bản thỏa thuận, hợp tác. Các biên bản gồm: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) ký với Công ty cổ phần sữa Hmilk; Công ty cổ phần Đầu tư An Hoà ký kết với Công ty TNHH Hương Linh (tỉnh Điện Biên); Hợp tác xã Anh Tài, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang ký với Công ty cổ phần Nông nghiệp sinh thái ECOVI./.