Quảng cáo #128

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đứng đầu nhóm ASEAN-5

1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới. Đây là cảnh báo vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hôm 11/10 trong báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vững vàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức.

Theo IMF, tăng trưởng GDP thực của châu Á sẽ chỉ đạt 4% trong năm 2022, giảm 0,2 điểm % so với dự báo hồi tháng 7 và thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Và đây là lần thứ 4, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này, trong bối cảnh thế giới bất ổn và nhiều nền kinh tế lớn đang chìm trong lạm phát cao hoặc/và suy giảm tăng trưởng như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giữ nguyên ở mức 3,2%, còn năm 2023 sẽ xuống mức 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. 

Sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc, với dự báo GDP tăng chỉ tăng 3,2% trong năm 2022 (so với mức tăng 8,1% trong năm 2021) sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước trong khu vực châu Á.

Trong bức tranh chung đó, Việt Nam là một điểm sáng. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay thêm 1 điểm % so với dự báo hồi đầu năm. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

kinh-te-1665590920.jpeg
Ảnh minh họa.

Bà Era Dabla-Norris - Trưởng Đoàn giám sát của IMF về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ nhận định: "Tăng trưởng GDP ở Việt Nam đã được điều chỉnh tăng từ 6% lên 7%. Trên thực tế, tăng trưởng thậm chí còn cao trên 7%. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thành tích tốt nhất trong khu vực vào năm 2022".

"Có một số yếu tố giải thích cho thành tích ấn tượng này là việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại, việc triển khai các chương trình phục hồi trong sản xuất, bán lẻ, dịch vụ, du lịch. Chúng tôi thấy nhu cầu trong nước đã tăng lên và thị trường lao động đang phục hồi mạnh mẽ", Bà Era Dabla-Norris cho biết thêm.

Bên cạnh đó, IMF nhận định, việc kiểm soát tốt lạm phát cũng giúp Việt Nam nổi bật so với các quốc gia trong khu vực. "Một khía cạnh khác khiến Việt Nam khác biệt so với các nước láng giềng đó là lạm phát cho đến nay vẫn nằm dưới mục tiêu 4%. Điều này là do giá lương thực tăng chậm và việc cắt giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã giúp lạm phát ở mức thấp", bà Era Dabla-Norris đánh giá.

IMF khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp trong nước, tăng cường đội ngũ lao động trình độ cao, đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, ứng phó các thách thức biến đổi khí hậu.

Thi Nguyên (t/h)