Ngày 1/4/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, trong đó trồng 690 triệu cây ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng.
Sau 3 năm trồng được gần 770 triệu cây xanh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” (Đề án) của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 3 năm 2021 - 2023 thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh đạt trên 121% so với kế hoạch; trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán, còn lại là cây xanh tập trung. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm qua là gần 9,5 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, nguồn vốn còn lại từ xã hội hoá và nguồn vốn khác.
Một số tỉnh thực hiện Đề án đạt kết quả cao như: Lào Cai trồng 61 triệu cây, Phú Thọ trồng 52 triệu cây, Long An trồng 45 triệu cây, Gia Lai trồng 37 triệu cây, Nghệ An trồng 34 triệu cây.
Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng đã hưởng ứng Đề án thông qua xây dựng chương trình, quỹ để kêu gọi tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây như: Công ty TNHH Xã hội trồng và Phục hồi rừng Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA; Công ty TNHH kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Vinfast, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân khác.
Theo Cục Lâm nghiệp, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", Bộ NNPTNT đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn...
Đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án. Các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch tiến tới trồng gần 1,1 tỷ cây xanh. Trong đó, trồng mới rừng tập trung gần 470 triệu cây xanh; gần 600 triệu cây phân tán.
Cục Lâm nghiệp cũng cho biết, từ hiệu quả của Đề án, tính đến năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 42%, diện tích rừng có chứng chỉ ước đạt 465.000 hecta.
Tiếp tục tìm giải pháp nâng độ che phủ rừng
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024 – 2025, ngành lâm nghiệp và địa phương trồng mới thêm hơn 492 triệu cây xanh tại nhiều nơi khác nhau. Dù có kế hoạch là vậy nhưng theo Cục Lâm nghiệp, nhiều địa phương gặp khó khăn vì quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp. Nguyên nhân là do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng cây rừng. Cùng với đó, các địa phương có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất, mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, thực hiện Đề án tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Đó là nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lựa chọn ưu tiên các loài cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và huy động nhiều nguồn lực để cả tỉnh trồng được trên 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025;
Trong đó trồng 10,7 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn, trồng 4,3 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát đánh giá kết quả đã thực hiện, nếu cây trồng bị chết thì trồng bổ sung; tiếp tục trồng cây theo kế hoạch đã được phê duyệt; truyền thông để mọi người hiểu, biết lợi ích và tham gia trồng cây; khi thực hiện trồng cây phải linh hoạt chủ động.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và các đơn vị khác, giải quyết ngay kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền, việc thuộc thẩm quyền cấp trên thì báo cáo ngay. Đề nghị các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ kinh phí, sáng kiến để thực hiện Đề án./.
Năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn cacbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 đô la Mỹ/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu đô la Mỹ (gần 1.200 tỉ đồng). Theo Cục Lâm nghiệp, đây là nguồn tài chính quan trọng, bền vững để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng.