Người dân miền núi Quảng Nam trồng rừng gỗ lớn, phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa góp phần hiệu quả bảo vệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn.

Nhiều hộ dân tại Quảng Nam đã mạnh dạn chuyển đổi theo mô hình trồng rừng gỗ lớn, xen canh các loại cây ngắn ngày đem lại thu nhập ổn định.

Năm 2021, ông Bhních Trên, ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang đã chuyển đổi từ trồng keo lá tràm sang trồng rừng gỗ lớn, chủ yếu là dổi trên diện tích hơn 2 hecta. Ông Bních Trên được UBND huyện Nam Giang hỗ trợ 18 triệu đồng để mua cây giống.

Ông Bních Trên cho biết, hiện nay, gia đình đã chuyển đổi qua trồng rừng gỗ lớn. Chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống. Hy vọng trồng cây gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

rung-1686370160.jpg
Ảnh minh họa.

Ghi nhận cũng cho thấy, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đã có hàng trăm hộ dân là người Cơ Tu từng trồng cây keo và cho thu nhập khá ổn định. Gần đây, UBND huyện Nam Giang chú trọng mở rộng diện tích rừng sản xuất tiếp cận hướng đầu tư nâng cao chất lượng rừng và chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn. Bình quân mỗi năm, địa phương này bố trí ngân sách hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chủ yếu tập trung trồng rừng gỗ lớn. Địa phương đã hỗ trợ người dân trồng hơn 1.000 ha rừng gỗ lớn với nhiều giống cây chất lượng như dổi, lim xanh, sao đen, ươi, huỳnh đàn.

Ông Trần Công Anh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Giang cho hay, trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu về nguồn gỗ cho hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường chống xói mòn đất, vừa nâng cao độ che phủ rừng. Trồng rừng gỗ lớn chu kỳ đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao hơn. Lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn gấp 2 đến 3 lần so với cây keo nên người dân mạnh dạn chuyển đổi.

Tỉnh Quảng Nam có hơn 769.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Hàng năm, số lượng gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của tỉnh khoảng 1,45 triệu m3, góp phần tạo việc làm, giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ở vùng miền núi Quảng Nam, hiện nay, người dân đã dần chuyển qua trồng rừng gỗ lớn. "Chúng tôi khuyến khích bà con kết hợp với các doanh nghiệp để có đầu ra, thứ 2 trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa như cây lim, cây dổi chống chọi được thiên tai. Dưới tán rừng trồng bà con trồng xen canh thêm cây dược liệu để tăng thu nhập. Tôi tin rằng với kết hợp như thế này, đời sống của bà con sẽ được nâng cao".

Thời gian tới, để việc trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả, giúp người dân có thu nhập từ rừng, tỉnh Quảng Nam tập trung một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức; đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch là rừng sản xuất chưa được giao cho tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ…

Ánh Dương (t/h)