Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, 2 tuyến đường sắt này dự kiến đầu tư trước năm 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Cụ thể, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải) đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chiều dài khoảng 128 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (kết nối khu bến Lạch Huyện) đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Theo Bộ GTVT, 2 dự án đường sắt này cần sớm triển khai đầu tư, trong đó nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, đầu tư hạ tầng khai thác cả hàng và khách. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư 2 tuyến đường sắt tương đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ GTVT xác định, việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics, trong đó 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu cần sớm được đầu tư.