Trong đó, riêng Công ty mẹ - Tổng Công ty doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chưa bao gồm: Doanh thu từ hợp đồng dịch vụ sự nghiệp công dự kiến đạt hơn 1.126 tỷ, tăng 5% so cùng kỳ 2022.
Khối vận tải, tổng doanh thu của hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn dự kiến đạt hơn 2.519 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trực tiếp từ hoạt động vận tải hơn 1.953 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong khi vận tải khách tăng trưởng mạnh với doanh thu hơn 1.246 tỷ đồng, tăng hơn 83% so cùng kỳ, vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh, doanh thu chỉ thực hiện được 824 tỷ đồng, bằng khoảng 80% cùng kỳ.
Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, sản lượng thực hiện được hơn 1.765 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 1.436 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, kết quả trên có được là nhờ đường sắt đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy vận tải.
Về vận tải khách, đẩy mạnh chạy tàu khách các cung chặng ngắn nhu cầu hành khách du lịch. Cùng với đó là các chính sách giá vé linh hoạt, điều chỉnh tăng - giảm tùy thuộc số lượng hành khách đi tàu theo đoàn, cung chặng và thời điểm vận chuyển, vì vậy đã thu hút khách du lịch.
Về vận tải hàng, VNR tổ chức tăng cường chạy tàu hàng, đặc biệt là tàu chuyên tuyến; tích cực khai thác luồng hàng liên vận quốc tế sau khi ga Kép được phép hoạt động liên vận quốc tế; bước đầu đã vận chuyển container nông sản theo mùa phục vụ xuất khẩu như vải thiều. Giá cước cũng điều chỉnh linh hoạt theo tùy theo mặt hàng, cự ly, thời điểm, loại toa xe vận chuyển và loại tàu. Tuy nhiên, sản lượng, doanh thu chưa đạt kế hoạch do nhu cầu chung của thị trường giảm sút.
Chia sẻ tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty - Đặng Sỹ Mạnh nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, mục tiêu phấn đấu cả năm 2023 là kết quả sản xuất kinh doanh có lãi.