Đề xuất đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành bằng vốn ngân sách

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tổng vốn hơn 40.500 tỷ đồng được đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thay vì kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đề xuất này được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm nêu tại cuộc họp tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ngày 07/7 vừa qua.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, có 3 tuyến đường sắt quan trọng đi qua khu vực Đông Nam Bộ phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư năm 2025, triển khai giai đoạn 2025 - 2030 gồm: Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

phoi-canh-1688810123.jpg
Phối cảnh dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đoạn đi qua nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Báo Lao động)

Hiện, sân bay Long Thành dự kiến sẽ được khai thác vào năm 2025, trong khi đó cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Do đó, ông Trần Quang Lâm mong các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần thống nhất tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Thống nhất tiếp tục đề nghị ưu tiên nguồn lực thực hiện tuyến Thủ Thiêm – Long Thành. Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu và có thể nghiên cứu xong thì kêu gọi đầu tư. Đường sắt mà kêu gọi đầu tư bằng PPP thì rất là khó. Cho nên giống như bài học Vành đai 3, có thể ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công, ông Trần Quang Lâm cho biết thêm.

Được biết, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành dài 37,35 km, với 20 ga, trong đó đoạn qua TP.HCM 11,8 km, qua Đồng Nai 25,55 km. Điểm đầu là ga Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tốc độ tối đa 80 km/giờ, vận tốc khai thác 60 km/giờ.

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua, đường sắt không phát triển được do chưa quan tâm phát triển quy hoạch đô thị gắn với đường sắt theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch giao thông công cộng sức chở lớn).

Theo ông Lâm, kể cả dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sắp triển khai thì quy hoạch cũng không gắn với TOD. Ông Lâm cho rằng tuyến này cần gắn với đường bộ và giao thông công cộng thì khai thác mới hiệu quả.

Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 của TP.HCM là một bài học, bây giờ thành phố đang phải xem xét điều chỉnh quy hoạch đô thị TOD xung quanh các nhà ga. Do đó, đối với các tuyến đường sắt đi qua vùng Đông Nam Bộ, ông Lâm kiến nghị các tỉnh cần rà soát, đẩy nhanh quy hoạch đô thị gắn với nhà ga.

Ánh Dương (t/h)