Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững

Phú Yên được đánh giá là địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển. Thời gian qua, địa phương này đang tích cực triển khai chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng vùng biển và ven biển phát triển bền vững.

Phú Yên thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc. Là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, tỉnh Phú Yên có bờ biển dài với nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn, trải dài gần 200km, đa dạng về chủng loại hải sản, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính,trong đó có 04 huyện, thị xã và thành phố ven biển; 54 xã, phường, thị trấn ven biển, chiếm 25% diện tích và 56,4% dân số toàn tỉnh.

Tỉnh có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, nằm trên trục Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, có Quốc lộ 25, QL 29 nối với các tỉnh Tây Nguyên. Phía Nam có cảng biển Vũng Rô; sân bay Tuy Hoà với các tuyến bay từ TP.HCM và Thủ đô Hà Nội đến Phú Yên và ngược lại. Phú Yên là nơi có điều kiện thuận lợi trở thành cửa ngõ hướng biển của vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào cũng như Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, trung tâm giao thương quốc tế lớn, tạo lợi thế trong kết nối, hợp tác, trao đổi kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế.

du-lich-1673887018.jpeg

Với tiềm năng, lợi thế lớn tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh phát triển tổng thể các ngành kinh tế biển như: khai thác thủy hải sản, du lịch...

Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23 ngày 26/3/2019 triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Phú Yên.

Sau thời gian triển khai, đến nay khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh. Sản lượng đánh bắt hàng năm trên 60.000 tấn, trong đó có cá ngừ đại dương trên 6.000 tấn có giá trị kinh tế cao.

Nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển thành một nghề sản xuất chính, cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khoảng 8.000 tấn/năm, với các loại hải sản có giá trị như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá mú.... Công nghiệp ven biển từng bước phát triển; Khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 05 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460 ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) trên địa bàn tỉnh. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18-8-2021, “Về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên” xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

ca-ngu-1673887018.jpeg

Đánh bắt cá ngừ là một trong những hoạt động khai thác thủy hải sản chiếm ưu thế trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: TTX

Phát triển hợp lý nuôi trồng thủy sản, ưu tiên đầu tư theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Tôm hùm, tôm thẻ...; ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp ở vùng biển hở.

Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu tốc độ phát triển ngành du lịch khoảng 14%/năm. Tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực (tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô...). Đầu tư xây dựng Vịnh Xuân Đài từng bước đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

ha-1673887018.jpeg

Phú Yên đồng thời đẩy mạnh hát triển kết cấu hạ tầng đường biển với việc huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp... (Ảnh: NX).

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đường biển với việc huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả Cảng Vũng Rô; tập trung xúc tiến thu hút đầu tư Cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics; đầu tư các cảng, bến thủy nội địa; quan tâm thu hút đầu tư Bến du thuyền tại khu vực bãi biển thành phố Tuy Hòa, Cảng Vũng Lắm, Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), Vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa)... Nghiên cứu phát triển một số tuyến hàng hải ven bờ phục vụ du lịch đường thủy, vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm áp lực vận chuyển đường bộ. Quan tâm thực hiện tốt việc khai thông cửa sông, cửa biển phục vụ tàu thuyền ra vào thuận lợi.

Đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Thu hút đầu tư nhà máy điện gió và các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phối hợp triển khai các dự án nâng cấp lưới điện truyền tải 220kV, 110kV và lưới điện phân phối; phát triển mạng lưới cấp điện cho Khu Kinh tế, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, địa phương này chú trọng phát triển không gian kinh tế, trong đó đối với vùng ven biển tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu đến năm 2025, các ngành kinh tế biển đóng góp khoảng 8 - 10% GRDP của tỉnh và kinh tế của 4 địa phương ven biển đóng góp trên 70% GRDP cả tỉnh.