Trong thời gian chuẩn bị diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với UBND huyện Yên Mỹ, Ban tổ chức lễ dâng hương tiến hành giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ dâng hương. Đoàn giám sát làm việc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ đại biểu, du khách dự lễ dâng hương về các nội dung: Hồ sơ, thủ tục pháp lý; nơi chế biến thực phẩm; trang thiết bị, dụng cụ chế biến; nguồn nước, nguồn gốc thực phẩm; người tham gia chế biến thực phẩm… Đồng thời, thực hiện xét nghiệm nhanh đối với các mẫu nguyên liệu thực phẩm; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phòng ngừa ngộ độc.
Ghi nhận trong ngày diễn ra lễ hội cho thấy, địa phương đã bố trí khu vực riêng tổ chức dịch vụ ăn uống, giải khát cho du khách thập phương. Khu vực này được căng bạt cao thoáng, mỗi hàng quán có bố trí hàng lối, được kê bàn, ghế ngồi gọn gàng. Quầy chế biến thức ăn có kệ cao, tủ kính bảo quản thức ăn. Đồng chí Trần Công Phú, Trưởng phòng Y tế huyện Yên Mỹ cho biết, hai ngày trước khi diễn ra lễ dâng hương, đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ tại lễ hội, yêu cầu ký cam kết tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, bắt buộc phải có thùng rác có nắp đậy, dụng cụ che chắn thức ăn, có nước sạch để rửa dụng cụ sử dụng ăn uống… Trước, trong và sau lễ hội không ghi nhận ca, vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra một số lễ hội có quy mô như lễ hội đền Phù Ủng, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngoài ra, tại các điểm di tích như Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến… thu hút đông du khách thập phương. Qua giám sát, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ghi nhận các cơ sở kinh doanh cơ bản bảo đảm điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống trong các lễ hội thường mang tính thời vụ nên kỹ năng về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, người bán hàng di động nhiều nơi, hệ thống cung cấp nguyên liệu, nước sinh hoạt cũng có thể chưa được bảo đảm... Đó là những yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Đoàn giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lưu ý các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ngay khu vực khuôn viên tổ chức lễ hội cần đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi chia thức ăn.
Đồng chí Vũ Huy Kha, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, mỗi lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng người tham gia đông, khuôn viên chật, phần lớn những cơ sở, hộ gia đình, người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm mang tính tự phát, không chuyên, khiến việc quản lý an toàn thực phẩm ít nhiều gặp khó khăn.
Tháng Giêng là thời điểm tập trung đông người ở các khu di tích, danh lam thắng cảnh, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Các quán ăn, các gánh hàng rong tạm bợ bán bánh tráng, nem chua, xúc xích, các loại nước, trà sữa… đều thu hút thực khách. Trong khi đó, còn nhiều quán ăn ở khu vực này không được che đậy hay bảo quản kỹ càng. Bên cạnh đó, các lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu người thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi, hàng quán được bố trí ngay ở đường đi, không đủ điều kiện ngăn gió bụi, mưa nắng, ruồi, chuột... làm cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm, hư hại. Người bán hàng, chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, trong khi lượng người đi lại, ăn uống đông đúc dễ tạo nguy cơ mất an toàn. Mùa lễ hội thường có mưa phùn, tạo điều kiện cho thực phẩm, thức ăn, đồ uống dễ bị hỏng, bị nhiễm mầm bệnh và dễ gây bệnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị các địa phương yêu cầu các cơ sở bán hàng ăn trong mùa lễ hội ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng những điều kiện bắt buộc bảo đảm an toàn thực phẩm; duy trì các nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm. Các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ trực tiếp giám sát tại các điểm lễ hội.
Đối với du khách tham gia lễ hội, khi có nhu cầu ăn uống, cần tìm đến những hàng quán được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, những hàng quán có không gian sạch sẽ. Tránh sử dụng những món ăn không có dụng cụ che đậy, bảo quản; không ăn những món ăn sống, tái...; không sử dụng thực phẩm có mùi lạ. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời./.