Phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Chương trình Tọa đàm được tổ chức sáng 23/11, nhân dịp Kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.
Hiện tại, một HTX trung bình ở ĐBSCL chỉ có khoảng 80 thành viên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 thành viên của cả nước và con số 1.500 thành viên tại Thái Lan. Ông Hải đề xuất rằng việc xây dựng các HTX vừa (50-100 thành viên) không chỉ phù hợp với yêu cầu của Luật HTX 2023 mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Khi HTX trở thành các tổ chức vững mạnh, có khả năng quản lý hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng sẽ phát huy vai trò cốt lõi trong nền kinh tế nông thôn hiện đại. Cần có những HTX đủ mạnh để phát triển chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống thành viên và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đội ngũ quản lý HTX cần được đào tạo chuyên sâu để cải thiện khả năng điều hành thông qua các chương trình tuyên truyền, đào tạo để họ hiểu rõ lợi ích khi gia nhập HTX, từ đó cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn cho thành viên và doanh nghiệp liên kết. Trường hợp của HTX Tân Hưng, Phú Thạnh và Bình Thành là các mô hình tiêu biểu trong việc tổ chức tốt các dịch vụ như thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa, đại diện và đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Việc hỗ trợ vốn, giảm lãi suất và các chính sách ưu đãi khác sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với HTX để mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tham mưu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng Đề án.
Cũng theo ông Trần Minh Hải, để thúc đẩy phát triển hợp tác xã (HTX), cần xây dựng các HTX đủ mạnh và bản lĩnh, có khả năng thực hiện việc mua chung, bán chung với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất. Về điều hành kinh doanh, các mô hình như HTX Tân Hưng, Phú Thạnh và Bình Thành được đánh giá cao, nhờ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ như thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa.
Về phía Nhà nước, cần đẩy mạnh xây dựng các đề án phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030 tại từng tỉnh, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chính sách của tỉnh, và Quyết định 1804 của Chính phủ để triển khai một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
Cần giải quyết 4 vấn đề để nhân rộng đề án trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Phát biểu tại Tọa đàm, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là cắt giảm lượng giống và một số mô hình đã đưa lượng giống sử dụng xuống chỉ còn 70-80kg/ha mà vẫn đảm bảo được năng suất, thậm chí năng suất còn vượt trội hơn.
Cũng theo TS Trần Ngọc Thạch, những mô hình tương tự thế này đã được triển khai từ năm 2015, thậm chí có nơi đã giảm xuống đến 40 kg/ha. "Nhưng tại sao vẫn chưa thể nhân rộng mô hình?", Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu câu hỏi và cho rằng, có 4 vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất là phải đảm bảo được mặt bằng và khả năng thoát nước của đồng ruộng, cùng với đó là tránh xuống giống khi trời mưa để giảm nguy cơ rửa trôi giống, điều này sẽ giảm chi phí.
Thứ hai là phương tiện gieo sạ, thay vì vẩy bằng tay, phun bằng máy như trước đây, cần có những thiết bị gieo sạ chính xác, sạ hàng, sạ cụm để giảm lượng giống đầu vào. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là toàn bộ ĐSBCL chỉ xấp xỉ 100 máy sạ, như vậy để đáp ứng nhu cầu sạ cho 500.000ha/vụ thì là thách thức rất lớn. Áp lực này cũng khiến chi phí đầu vào tăng thêm.
Chia sẻ thêm về giải pháp nhằm tháo gỡ áp lực vừa nêu ra, TS Trần Ngọc Thạch cho rằng, cần nâng cao năng suất cho máy sạ cụm, sạ hàng. Cùng với đó là nghiên cứu khả năng ứng dụng sạ bằng drone để thúc đẩy năng lực xuống giống.
"Mục tiêu chính của chúng ta là đưa mức tiêu thụ giống xuống dưới 70 kg/ha", Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh.
Vấn đề thứ ba mà ông Trần Ngọc Thạch đưa ra là vấn đề giống. Nếu tỷ lệ nảy mầm thấp, nhiều lẫn tạp thì sẽ kéo giảm chất lượng lúa. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Đề án, nhu cầu giống có thể lên đến vài chục ngàn tấn, trong khi chỉ có vài doanh nghiệp đảm bảo được.
Do đó, ông Thạch đề cập đến việc nâng cao năng lực sản xuất giống của các HTX và Viện Lúa ĐBSCL đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này bằng những vùng sản xuất giống tập trung, chính quy hơn, chất lượng hơn.
Trở lại vấn đề khoa học, TS Trần Ngọc Thạch cho rằng, yêu cầu về giống càng cao thì công tác nghiên cứu, chọn tạo lại càng cần được quan tâm.
Trong đó, giống cần khả năng đẻ nhánh sớm để hạn chế cỏ dại, hạn chế thuốc trừ cỏ. Cùng với đó, cần những giống lúa phát thải thấp, sử dụng phân bón tiết kiệm và Viện Lúa ĐBSCL đang nghiên cứu sâu hơn về những yêu cầu này.
Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL cũng nói về việc kiểm soát hệ thống vi sinh vật trong đất để giảm phát thải trong điều kiện không kiểm soát, khó kiểm soát lượng nước trong đồng ruộng.
Để thực hiện được những mục tiêu nói trên, TS Trần Ngọc Thạch mong muốn sự hợp tác của IRRI và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đưa ra những loại giống chất lượng cao, phù hợp với Đề án.
Ông Hoàng Tuyển Phương - Trưởng phòng Trồng trọt - Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), cho biết: "Việc xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ tập trung vào chuyển giao các công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng, giảm phát thải, liên kết sản xuất, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu SRD. Khuyến nông cộng đồng đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường năng lực nông dân, nâng cao vai trò của HTX và tổ hợp tác, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và thu nhập. Đồng thời, phát triển lực lượng MRV (đo đạc, báo cáo và thẩm định), xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam”, ông Phương nói.
Trong thời gian tới, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sẽ định hướng lại nội dung truyền thông, xây dựng thông điệp và bộ nhận diện logo cho Đề án, phát triển các chuyên mục, chuyên trang và các chương trình phóng sự trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, tổ chức các sự kiện theo chuyên đề và phát hành các ấn phẩm để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Về xây dựng mô hình, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình thí điểm tại các địa phương, nhân rộng các mô hình thông qua các Dự án khuyến nông Trung ương và hợp tác công - tư (PPP) để tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững./.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 959/QĐ-BNV ngày 28/11/2023 của Bộ Nội vụ, tên viết tắt là VIETRISA - Vietnam Rice Sector Association. Đến nay Hiệp hội đã có 107 tổ chức gồm doanh nghiệp và HTX, 70 cá nhân, trong đó có 20 thành viên thuộc Ban vận động thành lập Hiệp hội.
Trải qua 1 năm hoạt động, VIETRISA đã trở thành cầu nối đáng tin cậy giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý, góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.