Với những lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lực tự nhiên, các cụm công nghiệp tại miền núi Thanh Hóa hứa hẹn sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự thành công của các cụm công nghiệp không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính quyền địa phương mà còn cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hoá hiện có 11 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 412ha, tổng vốn đầu tư 2.596 tỉ đồng... Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng các dự án này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp còn hạn chế, một số cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa có chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa để bố trí thực hiện dự án; việc rà soát, thực hiện thủ tục đất đai của một số chủ đầu tư, huyện, ngành còn chậm, kéo dài, không xác định rõ diện tích đất phải chuyển đổi làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tiến độ triển khai các dự án cụm công nghiệp tại miền núi Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, 11 cụm công nghiệp đã được thành lập, với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như tại huyện Thạch Thành, cụm công nghiệp Vân Du đã hoàn thành gần một nửa diện tích giải phóng mặt bằng, mở ra triển vọng phát triển mới cho địa phương.
Tại huyện miền núi Thạch Thành đang tập trung phát triển 8 cụm công nghiệp, nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương. Đến nay, cụm công nghiệp Vân Du với diện tích 50 ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và thu hút được nhiều nhà đầu tư. Cụm Thạch Bình, với quy mô lớn hơn, không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, góp phần xây dựng một Thạch Thành giàu mạnh.
Còn tại huyện Ngọc Lặc với quy hoạch phát triển 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 313 ha. Đến nay, đã thành lập cụm công nghiệp Minh Tiến với diện tích 7 ha, tổng mức đầu tư 52 tỉ đồng. Hiện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và các hồ sơ, thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường,... theo quy định.
Huyện Như Xuân quy hoạch phát triển 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 112,2 ha. Đến nay, đã thành lập 3 cụm công nghiệp, gồm có cụm công nghiệp Thượng Ninh với 20 ha, tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng.
Hiện cụm công nghiệp này đang tiến hành xây dựng hạ tầng. Cụm công nghiệp Xuân Hòa có diện tích 30 ha, tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng, hiện đang xây dựng hạ tầng. Cụm công nghiệp Bãi Trành có diện tích gần 34 ha, tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng, hiện đang thực hiện các hồ sơ thủ tục về đất đai và công tác giải phóng mặt bằng.
Tại huyện Như Thanh, quy hoạch đến năm 2045 phát triển 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 168,29 ha. Đến nay, đã thành lập 2 cụm công nghiệp, gồm có cụm công nghiệp Hải Long - Xuân Khang với diện tích gần 49ha, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng, hiện đang thực hiện các hồ sơ thủ tục về đất đai, xây dựng. Cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ có diện tích gần 50 ha, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng; hiện nay đang tiến hành công tác thi công xây dựng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và sự hỗ trợ của cộng đồng, các cụm công nghiệp tại miền núi Thanh Hóa sẽ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực Bắc Trung Bộ./.