Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác hay Hợp tác xã là một giải pháp phát triển chăn nuôi nông hộ

anh-1-1704670223.png
Ảnh minh họa

Tại thời điểm tháng 12/2023, tỉnh An Giang có khoảng 136 ngàn con heo, 52 ngàn con bò và 6,9 triệu con gia cầm. Trong đó, trang trại quy mô lớn chiếm khoảng 10%, trang trại quy mô vừa chiếm khoảng 5% và trang trại quy mô nhỏ chiếm khoảng 8% tổng đàn vật nuôi; trong khi đó đàn vật nuôi trong nông hộ chiếm khoảng 80%. Chăn nuôi nông hộ vẫn còn chiếm tỉ lệ rất lớn trong chăn nuôi và là đối tượng dễ bị tổn thương khi bị tác động về dịch bệnh, biến động về giá cả vật tư đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra; chăn nuôi theo kiểu “lấy công làm lời”, phó thác cho rủi – may...

Do đó, để nhóm đối tượng này duy trì và phát triển thì cần phải liên kết lại với nhau, tương trợ nhau cùng phát triển. Thành lập Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác hay Hợp tác xã là giải pháp cần thực hiện. Khi tham gia tổ, nhóm sẽ có điều kiện tiếp cận con giống tốt, chất lượng cao, giá cả hợp lý; thuận tiện cho đầu ra cho sản phẩm và giá cả theo chiều hướng có lợi.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số mô hình liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả như:

Tổ hợp tác chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng đã có 5 thành viên tham gia nuôi 3.000 con gà, hiện đang thực hiện các thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP cho trứng gà Ai Cập tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú.

Hợp tác xã chăn nuôi bò tại xã An Tức, huyện Tri Tôn. Các thành viên là người dân tộc Khmer, họ gắn bó với con bò cái sinh sản và là nguồn thu nhập chính của họ. Vừa qua giá bán bò và bê giảm sâu, bê khoảng 8 tháng tuổi nếu người dân tự bán thì chỉ tầm 8 triệu đồng/con, nhưng các thành viên thông qua Hợp tác xã có thể bán từ 10- 15 triệu/con.

Tổ Hợp tác chăn nuôi dê tại xã Phú Long, huyện Phú Tân đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, đến ngày 11/10/2023 tiếp tục thành lập Hợp tác xã dịch vụ - Chăn nuôi dê xã Phú Long.