An Giang: Phát triển hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng bền vững

UBND An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch hướng đến mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh phát triển bền vững với cơ cấu, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt và vượt 5%/năm.

Việt Nam có 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ở cả cấp độ song và đa phương và đang trong quá trình đàm phán 2 Hiệp định thương mại tự do (Hiệp định Việt Nam – EFTA FTA và Hiệp định Việt Nam – Israel FTA), qua đó thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường như: cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các quốc gia, dịch bệnh toàn cầu làm cho các quốc gia điều chỉnh về chính sách xuất nhập khẩu, xu thế bảo hộ Thương mại thông qua các hàng rào phi thuế quan,… đặt ra nhiều thách thức cho công tác xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. 

Trước tình hình này, tỉnh An Giang tiếp tục xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu,... Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp sản xuất chính.

Do đó, UBND An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

damcamau2-fvne-6437-1677423963.jpg

Ảnh minh họa.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh phát triển bền vững với cơ cấu, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt và vượt 5%/năm. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới.

Từ đây đến năm 2030, các nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn; Hoàn thiện thể chế tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; Nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Cũng theo kế hoạch, UBND An Giang chọn Sở Công Thương là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch; rà soát, cập nhật, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với chủ trương, chính sách của các cấp có thẩm quyền. Các Sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch triển khai, hoặc lồng ghép vào các kế hoạch của ngành, lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình.

Thi Nguyên (t/h)