Để tỏ lòng thành kính tới vị vua đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chống lại quân xâm lược nhà Đường vào đầu thế kỷ thứ VIII, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà đã thành kính tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tâm linh, hướng về cội nguồn nhân ngày giỗ Vua Mai Hắc Đế (ngày 13/1 Âm lịch hàng năm).
Theo đó, các hoạt động chuẩn bị đã được chính quyền địa phương và nhân dân triển khai từ cách đây gần 1 tháng. Đặc biệt, từ ngày 1/2 đến ngày 3/2 (tức ngày 11 - 13 Âm lịch) cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn đã tỷ mẩn, thành kính tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Đền thờ Vua Mai ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Vào sáng ngày 1/2, người dân ở 7 thôn trong trong xã đã tổ chức gói và nấu bánh chưng. Với tấm lòng thành kính, những người có tay nghề tốt nhất đã được lựa chọn để gói bánh làm 7 cỗ (mỗi thôn 1 cỗ) cúng đức Vua. Cùng với lá dong thì những con lợn béo nhất, ngon nhất và những loại nếp thơm dẻo nhất trồng trên đồng ruộng quê hương được lựa chọn làm nguyên liệu.
Đến ngày 2/2 người dân tiến hành cung tiến lễ vật. Cỗ cúng Vua Mai năm nay có khoảng 1.800 chiếc bánh chưng được gói rất đều, vuông, đẹp, trang trí bắt mắt. Sau cúng giỗ, số bánh chưng này được phát cho mỗi hộ gia đình trong xã 1 tấm và một số du khách đến dâng hương để hưởng lộc.
Cùng với bánh chưng, hương đèn, hoa tươi, các vật phẩm khác thì mỗi thôn của xã Mai Phụ còn làm 1 - 3 cỗ xôi gà rất đẹp và độc đáo. Ngoài mâm xôi trắng thơm dẻo thì gà trống phải được tuyển chọn kỹ lưỡng: chủ mâm cỗ phải nuôi gà nhà từ bé (không được mua lại), đạt trọng lượng trên 4 kg, có mào to, cựa dài, chân cao, dáng chuẩn, màu lông đẹp. Gà phải nhốt trên chạn cao 2 tuần, cho chế độ ăn đặc biệt để đảm bảo sạch sẽ chờ đến ngày làm gió vua.
Ngoài ra, người làm mâm cỗ thì người giết gà cũng phải là người không có tang khó trong gia đình, nội tộc. Các cỗ gà cúng cung tiến giỗ vua đều được làm rất công phu, tỷ mẩn, sạch sẽ: cắt tiết trong miệng (tránh để lại vết mổ bên ngoài), da sáng, đầu không bị thâm, thế đứng, dáng bay, luộc chín...
Vào ngày 3/2, ngày tế lễ (giỗ chính thức) đông đảo du khách thập phương và bà con nhân dân quanh vùng đến dâng hương, dâng hoa, lễ vật và tham gia các hoạt động văn hóa, tâm linh khác.
Ngoài tưởng nhớ công đức của đức Vua, truyền thống đánh giặc giữ nước của quân và dân ta thì mọi người cùng nhau quây quần đoàn kết, thắt chặt tình xóm giềng, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn...
Trong phần tế lễ, Chủ tịch UBND xã Mai Phụ đảm nhận vai trò chủ tế. Những người cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng, có nhiều đóng góp cho xã hội cũng được tham gia phục vụ tế lễ. Lễ cúng được diễn ra trang nghiêm, thành kính, mang đậm không khí linh thiêng và giàu bản sắc văn hóa.
Sau phần tế lễ, lãnh đạo các sở ngành, huyện Lộc Hà và đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đã tổ chức dâng hương. Trước anh linh của bậc tiền nhân, mọi người cùng nhau cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt, biển đầy cá tôm và mọi người, mọi nhà luôn được bình yên, khang thái.
Vua Mai Hắc Đế, thuở thơ ấu có tên tự là Mai Thúc Loan, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII, quê quán tại làng Mai Phụ (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà). Từ nhỏ, ông đã phải theo mẹ rời quê lên sống ở làng Ngọc Trừng, Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An). Lớn lên, ông nổi tiếng khắp vùng vì thông minh, có sức khoẻ phi thường, giỏi đấu vật. Lớn lên chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường nên sớm nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ông mở lò vật, chiêu mộ trai tráng trong vùng để mưu việc lớn.
Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo vào tháng tư, năm Quý Sửu (713) giành thắng lợi. Sau khi lên ngôi, ngoài lo việc triều chính, ông đã cho xây dựng căn cứ địa tại Sa Nam và chọn Vệ Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An Nghệ An) làm nơi đóng đại bản doanh. Khi đã có binh hùng tướng mạnh lại được sự liên kết của Lâm Ấp và Chân Lạp cùng sự ủng hộ của người dân vùng Đường Lâm (huyện Ba Vì, Hà Nội), vùng Bình Hà (Hải Dương)…, ông đã kéo quân ra đánh chiếm phủ Tống Bình (Hà Nội) giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của nhà Đường. Chính quyền của vua Mai Hắc Đế tồn tại được 10 năm (713-722).