Mục đích của việc đấu thầu là nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm ra nhà thầu có đủ trình độ, năng lực cung cấp hàng hóa, xây lắp, mua sắm… phục vụ công cuộc phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước. Để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện đấu thầu, đồng thời quy định hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm...
Hệ thống văn bản Luật trong đấu thầu có nhiều, nhưng cốt lõi vẫn nằm ở Luật đấu thầu của Quốc hội, Nghị định số 63/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu…
Từ thực tiễn đó, Tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh tổ chức triển khai, thực hiện chuyên đề nghiên cứu về “Nhận diện môi trường đầu tư công: Góc nhìn từ hoạt động đấu thầu trong phát triển kinh tế địa phương”, qua đó khảo sát để minh chứng thực tế tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình triển khai chuyên đề, chúng tôi đã nhận được những ý kiến phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều bất cập, chưa minh bạch trong công tác đấu thầu tại Gói thầu mua sắm do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận Hoàn Kiếm làm Chủ đầu tư.
Nguy cơ thất thoát hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách
Theo nghiên cứu về một số gói thầu do Ban quản lý (gọi tắt là BQL) dự án đầu xây dựng Quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư thời gian vừa qua, các gói thầu này có dấu hiệu “loạn giá, thổi giá, đội giá, tiết kiệm thấp” khi sản phẩm có giá duyệt mua cao gấp nhiều lần giá đơn vị khác chào bán trên thị trường.
Cụ thể: Ngày 23/06/2022, ông Trịnh Hoàng Tùng – Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng Quận Hoàn Kiếm, ký Quyết định số 203/QĐ-BQLDAĐTXD về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại gói thầu: Cung cấp, lắp đặt thiết bị không thuộc danh mục mua sắm tập trung thuộc dự án Sửa chữa, chống xuống cấp trường Mầm non Lý Thường Kiệt tại địa điểm só 57 Lý Thường Kiệt và 33 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Thái Phong, gói thầu có dự toán là 2.173.207.000 đồng (Bằng chữ: hai tỷ, một trăm bảy mươi ba triệu, hai trăm linh bảy nghìn, không trăm đồng), giá trúng thầu là 2.156.628.000 đồng (Bằng chữ: hai tỷ, một trăm năm mươi sáu triệu, sáu trăm hai mươi tám nghìn, không trăm đồng), tiền tiết kiệm được sau đấu thầu là 16.579.000 đạt tỉ lệ 0,76%.
Khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu yêu cầu kỹ thuật, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh nhận thấy có hiện tượng giá thành một số mã hàng cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Cụ thể: Sản phẩm khối thu không đây, có mã sản phẩm: WT-5810 có đơn giá tại gói thầu là 7.314.000 đồng/cái, thị trường đang bán bộ sản phẩm này với giá từ 4.100.000 đồng/cái. Số tiền chênh lệch là 3.214.000 đồng/cái.
Bộ phát Microphone không dây, mã sản phẩm: WM-5225 được phân phối chính hãng từ TOA có giá 4.490.430 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 7.314.000 đồng, chênh lệch 2.823.570 đồng/cái. Loa BS-678 có giá trên thị trường là 750.000 đồng, thậm chí trên trang Sieuthivienthong có giá 559.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 1.603.000 đồng, cao hơn 2,3 lần.
Tivi 49 Inch Led KD-50X75K có giá thị trường là 14.500.000 đồng, trong khi giá trúng thầu là 23.112.000 đồng, chênh lệch 8,6 triệu đồng/cái với số lượng được mua ước lượng chênh lệch 62 triệu đồng. Tivi 55 Inch Led KD-55X75K có giá thị trường là 15.900.000 triệu giá trúng thầu là 26.224.000 đồng. Tivi 65 Inch Led KD-65X80K có giá trên thị trường dao động 20.890.000 đồng - 27.000.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 41.472.000 đồng.
Bàn làm việc lãnh đạo, mã sản phẩm: DT1890H15 có giá bán trên trang của Tập đoàn Hoà Phát có giá là 4.136.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 6.318.000 đồng. Ghế làm việc lãnh đạo, mã sản phẩm: TQ01 có giá thị trường là 5.850.000 đồng, giá trúng thầu là 9.490.000 đồng.
Tất cả những đơn giá phóng viên đã thu thập dùng làm cơ sở so sánh đều hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu nêu trong chương V của E-HSMT, phù hợp theo tiêu chuẩn. Mức giá trên đã được cộng thêm các khoản thuế VAT, chi phí vận chuyển, lắp đặt và bảo hành sản phẩm.
Đáng nói, đây không phải là gói thầu duy nhất có dấu hiệu đội giá mua sắm BQL dự án đầu xây dựng Quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư.
Tại gói thầu: Cung cấp, lắp đặt thiết bị không mua sắm tập trung bổ sung thuộc dự án Xây dựng trường THCS Lê Lợi tại địa điểm 18 Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, ngày 11/08/2022, cũng do ông Trịnh Hoàng Tùng – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm phê duyệt cho Công ty TNHH nội thất và xây dựng Long Khởi trúng thầu với giá 2.665.490.000 đồng (Bằng chữ: hai tỷ, sáu trăm sáu mươi năm triệu, bốn trăm chín mươi nghìn, không trăm đồng), giá dự toán là 2.712.152.000 đồng (Bằng chữ: hai tỷ, bảy trăm mười hai triệu, một trăm năm hai nghìn, không trăm đồng), tiền tiết kiệm được sau đấu thầu là 46.662.000 đồng đạt tỉ lệ 1,7%.
Sản phẩm điều hòa treo tường 24000BTU 1 chiều NIS-C24R2T01 có xuất xứ Indonesia có giá trên thị trường dao động từ 13.500.000 đồng – 15.000.000 đồng trong khi giá trúng thầu là 21.280.000 đồng, chênh lệch khoàng 5.00.000 đồng – 6.500.000 đồng/chiếc.
Máy chiếu đa năng EK-122VX có được bán bởi Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Sông Việt với giá dao động từ 16.000.000 đồng - 20.000.000 đồng trong khi giá trúng thầu là 26.235.000 đồng, chênh lệch khoảng 10.235.000 đồng với số lượng 31 chiếc được mua thì tổng chênh lệch khoảng 317.000 đồng.
Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế Xanh đã liên hệ đến UBND quận Hoàn Kiếm để tìm lời giải đáp cho những bất cập trên, nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía đơn vị này..
Hệ lụy từ vấn đề "đội giá" trong các gói thầu
Theo Luật Đấu thầu năm 2013, “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”
Nêu quan điểm về tình trạng đấu thầu, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.
Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý.
Với hàng loạt thiết bị có dấu hiệu “đội giá” trong các gói thầu mua sắm do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm chủ đầu tư kể trên, dư luận có thể đặt câu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư công của cơ quan này./.