Hà Nội: Đẩy mạnh tái cơ cấu hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, việc gia tăng sản xuất, chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tạo đột phá cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Hiện, Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững, xứng tầm Thủ đô.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, ngành trồng trọt đã chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản như: Cam canh, bưởi diễn, chuối tiêu hồng, ổi không hạt, đu đủ ruột tím..., cây cảnh có giá trị cao. Ngành chăn nuôi cũng đã đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5-3%. Số liệu ước tính của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2022, ước tính tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP của Thành phố.

rau-1668421152.jpg
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Báo Tri thức&Cuộc sống)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, là địa phương được quy hoạch trở thành vành đai xanh của thành phố, năm 2022, Phúc Thọ đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ gắn với sơ chế, chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ghi nhận cho thấy, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng đề án tái cơ cấu, tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp trên cơ sở những lợi thế đặc thù. Triển khai Đề án: Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch, tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, Chương Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, cuối năm là thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao, Hà Nội có thể tranh thủ sản xuất vụ đông đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày; đồng thời, tận dụng lợi thế từ thị trường cuối năm để tạo đà tăng trưởng.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, vụ đông năm nay, toàn thành phố gieo trồng 29.625,9ha, trong đó, riêng rau các loại là 13.966ha; khai thác tối đa diện tích trồng hoa (2.712ha), tạo giá trị tăng trưởng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy nhanh công tác tái đàn, áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Hoàng Hà (t/h)