Gỡ điểm nghẽn "khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam"

Ngày 22/6, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức hội thảo "Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Viện Lúa ĐBSCL, các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.

Sau phiên khai mạc, diễn ra 2 phiên thảo luận với chủ đề: Sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân và Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nâng giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Tại các phiên thảo luận, diễn giả, khách mời cùng trao đổi, thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa, gạo. Đồng thời, tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường quốc tế, nông dân an tâm với đồng ruộng, ngành lúa gạo phát triển theo hướng bền vững.

khoi-thong-dong-chay-hat-gao-1655952046.jpg
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là Châu Á, trong đó, Philippines và Trung Quốc là hai thị trường chủ yếu.

Theo các chuyên gia, những tổn thất sau thu hoạch lên tới trên, dưới 14%/năm là hết sức lãng phí. Để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, sấy và bảo quản lúa là 2 công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Diệu - chuyên gia phân tích thị trường chia sẻ, thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group đánh giá: “Giá lúa không giảm nhưng phân bón, chi phí vận tải tăng đột biến. Người nông dân muốn thay đổi cơ cấu cây trồng sang cây khác, nếu không nhìn, nghĩ sớm, một ngày nào đó, chúng ta sẽ giật mình vì diện tích lúa giảm dần”.

Về vấn đề mở rộng thị trường, ông Nam cho rằng, cần chú trọng tính bền vững. Vấn đề cạnh tranh hợp đồng của doanh nghiệp để tranh thủ bán hàng sớm với giá thấp làm cạnh tranh nội bộ doanh nghiệp cần được bàn bạc và khắc phục.

Hạt gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng ở khắp các nền kinh tế… Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo là cần khơi thông được những “điểm nghẽn” như giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu…./.

Anh Vân (t/h)