Giá tiêu hôm nay 28/8: Tiêu trong nước nối dài đà giảm

Ghi nhận thông tin tiêu dùng xanh hôm nay (ngày 28/8), giá tiêu tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đ/kg.

Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 67.000 - 70.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 67.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại các tỉnh Đồng Nai (67.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (68.000 đồng/kg); Bình Phước (69.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.500 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, giá tiêu trong nước đi xuống là do những thông tin tiêu cực về xuất khẩu trì trệ và các nhà kinh doanh chuyển vốn sang đầu tư lĩnh vực khác như cà phê.

4824-sarawak-pepper-02-1661648501.jpg
Giá tiêu hôm nay 28/8: Tiêu trong nước nối dài đà giảm. Ảnh minh hoạ.

Trong khi giá tiêu khô liên tục sụt giảm thì hiện nay, nhiều thương lái đang tìm đến các nhà vườn trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thu mua hạt tiêu xanh với mức giá trên 50.000 đồng/kg. Được thương lái thu mua với mức giá hợp lý, nhiều người dân đã sẵn sàng thu hái, bán tiêu xanh cho thương lái.

Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá thị trường tuần này tiếp tục diễn biến khá tiêu cực, không có quốc gia nào tăng điểm.

Giá tiêu Ấn Độ ổn định kéo dài từ tuần trước. Giá tiêu Indonesia vẫn ổn định trong tuần này do một số khu vực đã hoàn thành thu hoạch ở Lampung.

Trong khi đó cả giá trong nước và quốc tế Malaysia vẫn ổn định. Còn ở Việt Nam, giá tiêu xuất khẩu đi ngang trước đà giảm liên tiếp của thị trường trong nước.

Trong bản tin mới nhất được phát hành, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường trong nước và quốc tế giảm trong 3 tháng qua.

Một trong những nguyên nhân là do thị trường Mỹ và châu Âu khá trầm lắng do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, trong 2 tuần qua, nguồn cung ở nhiều nơi khá khan hiếm nên càng khó có doanh số.

Tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu đen toàn cầu giảm 2% còn 53,69 điểm trong khi chỉ số giá tiêu trắng giảm nhẹ 0,1% còn 54,83 điểm. Tương tự, giá tổng hợp tiêu đen giảm 83 USD/tấn còn 3.994 USD/tấn, lần đầu tiên dưới mức 4.000 USD/tấn kể từ tháng 6/2021. Giá tổng hợp tiêu trắng giảm 8% còn 5.674 USD/tấn.

Theo thống kê của VPA, trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu tiêu nguyên liệu của Việt Nam bất ngờ tăng cao với 25.750 tấn (trong đó tiêu đen đạt 22.385 tấn, tiêu trắng đạt 3.392 tấn), tăng mạnh 37,8% tương đương 7.066 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong tháng 7, lượng hồ tiêu nhập khẩu là 4.451 tấn, tăng mạnh 29,1% so với tháng trước và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Campuchia, Brazil và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp chủ yếu hồ tiêu cho Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 88,6% tỷ trọng, trong đó nhập khẩu từ Campuchia tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.356 tấn; từ Brazil tăng 32,1%, đạt 7.177 tấn và và từ Indonesia giảm 36,5%, xuống còn 4.290 tấn với chủ yếu là tiêu trắng.

Nếu so với sản lượng nội địa, số lượng tiêu nhập khẩu là không quá lớn và giá cũng cao hơn đáng kể nên việc nhập khẩu này được cho là không ảnh hưởng đến giá tiêu trong nước.

Trong tháng 7, các doanh nghiệp nhập khẩu tiêu từ Brazil với giá bình quân 3.946 USD/tấn (tương đương hơn 92.000 đồng/kg) và từ Campuchia là 3.380 USD/tấn (79.000 đồng/kg). Mức giá này cao hơn khá nhiều so với trên dưới 70.000 đồng/kg tiêu nguyên liệu trong nước.

Anh Vân (t/h)