Theo khảo sát, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 67.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 69.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg ở các tỉnh (trừ Bà Rịa - Vũng Tàu) so với cùng thời điểm hôm qua. Đồng USD mạnh lên, lạm phát tăng cao và tiêu dùng thấp tiếp tục là những nguyên nhân khiến giá tiêu thế giới giảm sâu thời gian qua.
Cách đây đúng 1 năm, giá tiêu tại thị trường trong nước dao động từ 76.000 - 79.000 đồng/kg. Như vậy, giá hồ tiêu Việt Nam tại thị trường nội địa đã giảm trung bình 8.000 đ/kg trong 12 tháng qua.
Trên thị trường xuất khẩu, mới đây nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) giữ nguyên niêm yết giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ và Brazil, giảm nhẹ ở Indonesia. Như vậy giá tiêu thế giới vẫn đang trong đà giảm.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức như giá bán thấp, thiếu tính bền vững...
Theo các chuyên gia, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn chồng khó khăn, thách thức không nhỏ.
Trước hết, hạt gia vị của Việt Nam phải chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine, giá dầu tăng, lạm phát kinh tế, tắc nghẽn chuỗi cung ứng… khiến nhu cầu toàn cầu giảm nên lượng nhập khẩu hồ tiêu và gia vị của các nước đều giảm.
Trong khi thị trường Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân, vốn là khách hàng mua hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đã giảm mạnh nhập khẩu, từ khoảng 50-60.000 tấn/năm, xuống còn 6.000 tấn (trong 6 tháng đầu năm 2022).
Ngoài ra, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu tác động không nhỏ tới vụ mùa, năng suất cây trồng nói chung và cây hồ tiêu nói riêng. Thêm vào đó là sâu bệnh hại cây trồng cũng ngày càng phức tạp.
Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu như phân bón, nhân công, cước phí vận chuyển… cũng tăng phi mã, khiến hạt hồ tiêu phải “oằn mình” cõng thêm chi phí, người nông dân và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Đó là chưa kể tới việc yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn, tình trạng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn.
Trước những thách thức không nhỏ đó, để duy trì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới của hồ tiêu Việt Nam, việc phát triển ngành theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu. Được biết, ngành đã xây dựng đề án truyền thông quốc tế phát triển thị trường bền vững ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam giai đoạn 2022-2025 tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Đông.