Cách nay gần 1 tháng, khi vừa thu hoạch xong 3 công mía, bà Ngũ Thị Đúng, (ngụ ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã tất bật xuống giống vụ mía mới. Dù chi phí mua mía giống và thuê nhân công lao động tăng gần 30% so với vụ mía trước nhưng bà Đúng hy vọng nếu bán mía chục có giá thì bà vẫn có thu nhập cao do giống mía này ngắn ngày, thu hoạch sớm, đỡ tốn thời gian chăm sóc và chi phí bơm tát khi lũ về.
“Trồng bán mía chục, chứ bán mía đường lâu thời hạn quá. Mía chục trồng hơi cao cao là người ta mua hết rồi, còn mía đường lâu thời hạn nên mình phải bơm nước. Còn bán mía chục sớm thì không cần bơm nước. Mướn người ta đào hộc thoát nước cũng 1.000 đồng một thước. Cái gì cũng đắt hơn. Mía giống thì cao, giờ mướn 3.000 đồng/kg, nhưng cũng phải chịu chứ sao bây giờ", bà Đúngchia sẻ.
Thấy trồng mía để bán mía chục trong vụ vừa qua có thu nhập cao nên nhiều nông dân trong huyện Phụng Hiệp trước đây đã chuyển đổi từ cây mía sang trồng loại cây khác, giờ quay lại trồng mía. Ông Nguyễn Phi Hùng ở xã Hiệp Hưng trước đây chuyển 10 công mía sang trồng chuối, hiện nay lại phá bỏ 5 công chuối để quay lại trồng mía.
Ông Hùng chia sẻ: "Tôi thấy trồng mía chục bán có giá thì quay lại trồng chứ chưa biết sắp tới bán cho ai, giá cả ra sao. Chuối bây giờ nó cỗi rồi, còn mía thấy có giá thì tôi trồng lại. Mía chục có giá thì người ta trồng. Nhưng cũng trồng vậy thôi chứ vụ này hên xui không biết sao mà nói bây giờ".
Sau nhiều năm cây mía mất giá thì ở vụ mía vừa rồi giá mía tăng khá cao. Trong đó, giá mía chục có thời điểm được thu mua gần 3.500 đồng/kg, trong khi nhà máy đường cũng thu mua ở mức 1.380 đồng/kg, cao hơn 380 đồng so với vụ trước.
Với năng suất mía bình quân ở mức 105 tấn/ha và có thời điểm được thương lái thu mua với giá từ 2.800 - 3.500 đồng/kg nên sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, mỗi công mía nông dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Việc có thu nhập cao từ cây mía bán chục đã khiến nhiều nông dân quay lại trồng mía.
Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, đến thời điểm này nông dân trồng mía trong huyện đã gieo trồng gần đạt kế hoạch đề ra là 3.100ha, tuy nhiên điều đáng lo ngại là nhiều nông dân vẫn đang có ý định tiếp tục gieo trồng giống mía chín sớm và chín trung bình để bán mía chục.
Theo định hướng của huyện, từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục giảm diện tích mía, chỉ duy trì ở mức 2.000- 2.500ha. Do đó ngành nông nghiệp đang khuyến cáo bà con thận trọng trong việc mở rộng diện tích gieo trồng để tránh tình trạng gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Ở địa bàn huyện Phụng Hiệp trồng mía chục ở toàn bộ địa bàn xã Phụng Hiệp, một phần của thị trấn Cây Dương, xã Hòa Mỹ và xã Tân Phước Hưng. Chúng tôi khảo sát và thấy rằng đây là những vùng có thể ổn định diện tích trồng mía chục, do đó chúng tôi đã lên kế hoạch cử cán bộ đi khảo sát một lần nữa và có hướng dẫn cho người dân giữ vững diện tích trồng mía chục này để đảm bảo không tăng bất thường, tránh đi tình trạng bất lợi sau này. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân trong địa bàn huyện tiếp tục thực hiện theo quy hoạch từ 2.000- 2.500ha".
Nông sản tăng hay giảm giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên thời gian qua, nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL khi thấy loại nông sản nào bán được giá thì lại rủ nhau trồng loại nông sản đó để nhiều lúc phải ngậm quả đắng do thừa hàng, dội chợ và câu chuyện trồng chặt, chặt trồng cứ liên tục diễn ra. Nếu không có giải pháp căn cơ thì chuyện trồng mía ở Hậu Giang cũng lại nằm trong vòng luẩn quẩn này.
Với bất kỳ loại nông sản nào yếu tố quyết định tới lợi nhuận cho nông dân chính là giá thành sau thu hoạch. Với người trồng mía nếu chỉ trồng chờ vào bán mía chục thì tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi giá mía chục thường tăng giảm theo thời điểm. Trong khi giá mía thu mua của nhà máy mía đường có sự bền vững, ổn định hơn. Nếu ồ ạt chạy theo phong trào trồng mía bán chục rất dễ lâm vào cái vòng luẩn quẩn được mùa thì rớt giá.