Hậu Giang chuyển đổi đất trồng lúa, mía kém hiệu quả

Ngày 22/3, tại Hội nghị sơ kết thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng mía, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp cho biết thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa, mía, vườn tạp kém hiệu quả sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn.

Đồng thời, huyện hình thành chuỗi giá trị sản xuất, lấy chất lượng, mẫu mã, khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm mục tiêu phát triển; phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá, khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP thành một phong trào lan rộng ở nông thôn.

Cùng đó, địa phương tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã, diện tích, quy mô đủ lớn để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sản phẩm sạch có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu xây dựng xí nghiệp, nhà máy chế biến trên địa bàn huyện, đồng thời cho các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu, tiêu thụ nông sản, vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ phát triển thêm hơn 2.000 ha lúa sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Từ đó, chuyển đổi cách sản xuất lúa tập quán cũ sang cách làm mới, hiệu quả hơn, đạt giá trị cao hơn trên cùng diện tích.

images1398695-quang-chinh-1647938605.jpeg
Ảnh minh hoạ

Huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang. Thời gian qua, do cây mía gặp nhiều khó khăn đầu ra, cũng như giá cả bấp bênh, nên địa phương khuyến khích chuyển đổi cây trồng khác hiệu quả hơn. Toàn huyện có diện tích tự nhiên hơn 48.000 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 39.000 ha; trên 80% dân số sống bằng nghề nông. Dự kiến năm 2022, Phụng Hiệp chuyển đổi 925 ha/4.725 ha sang các loại cây trồng khác.

Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, như tập quán sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ, chậm đổi mới, chưa tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý nên làm tăng chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản còn nhiều, năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích còn thấp, nhiều diện tích sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, cho năng suất, chất lượng thấp; sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP chưa phổ biến; việc xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp./.