Gần 100 Tổng Biên tập cùng bàn thảo 'báo chí giải pháp' giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế

Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Trên đây là một trong những nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp – hướng đi cho báo chí truyền thống” do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức vào chiều 21/9, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

dien-dan-tong-bien-tap-bao-1-1726928426.jpg
Diễn đàn Tổng biên tập 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.

Tham dự diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư;  ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT và ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; cùng với gần 100 Tổng biên tập cơ quan báo trên cả nước.

Cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình

Dự và phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: "Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng"; Phiên thứ hai có chủ đề: "Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?"

Những vấn đề nóng, thời sự, những câu chuyện thực tế của báo chí thế giới, của Việt Nam và của từng các cơ quan báo chí trong cả nước được các đại biểu, chuyên gia cùng với lãnh đạo các cơ quan báo chí bàn luận, chia sẻ tại diễn đàn.

dien-dan-tong-bien-tap-bao-3-1726928475.jpg
Ông Lê Quốc Minh trình bày tham luận có chủ đề "Báo chí xây dựng".

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trong một xã hội mà thông tin luôn tăng theo cấp số nhân, tràn ngập trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội thì việc định vị giá trị và sức thu hút với công chúng là một trong những thách thức lớn nhất với mỗi cơ quan báo chí và từng người làm báo.

Nhu cầu phải chuyển đổi phương thức làm báo, bài toán về sự lựa chọn những nội dung ưu tiên sản xuất là một trong những thách thức gay gắt đối với báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí chủ lực, vốn có biên độ thông tin rất phong phú đa dạng so với các tạp chí chuyên sâu hoặc các báo chuyên ngành ở Việt Nam.

Theo ông Hùng, với bất kỳ một tổ chức nào, vai trò của người đứng đầu cũng quan trọng nhất, nhận thức của Tổng Biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của tòa soạn, từng thành viên ban biên tập.

dien-dan-tong-bien-tap-bao-5-1726928515.jpg
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thảo luận tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, cần đội ngũ phóng viên giỏi tinh thông nghiệp vụ; cơ chế đầu tư cho báo chí giải pháp, cho báo chí chất lượng cao; cơ chế đặt hàng; tháo gỡ thể chế chính sách: đặt hàng, đấu thầu; tổng kết đánh giá lại Nghị quyết 19 về các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, cũng cần tính đến đặc thù của báo chí, tạo khuôn khổ thuận lợi cho báo chí phát triển, huy động được nguồn lực Nhà nước và xã hội đầu tư cho những sản phẩm báo chí chất lượng cao.

“Đây là miếng đất rất tốt để chúng ta chuyển đổi. Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí phải là người quyết định. Nhận thức của người lãnh đạo phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu, chuyển đổi hệ thống gồm cả nguồn lực về con người và về nội dung để ưu tiên sản xuất được những sản phẩm như vậy. Trong định hướng của Đài Tiếng nói Việt Nam, những nội dung có tính chất tích cực, tạo năng lượng tích cực thì luôn được ưu tiên”, ông Phạm Mạnh Hùng nói.

Chú trọng truyền thông chính sách, giảm thông tin tiêu cực...

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng hiện nay độc giả có thừa thông tin, nhưng lại thiếu các thông tin mang hàm lượng kiến thức và hữu ích. Nhiều khái niệm trong xã hội hiện nay có thể hôm nay đúng, nhưng mai lại không còn phù hợp; thì báo chí cần phải lý giải và làm rõ.

"Các thông tin tích cực sẽ có tác dụng tích cực cho người nghe, người đọc, mang lại sự tích cực cho bạn đọc. Điều đó cần người phóng viên phải có tư duy nhạy bén, tích cực; trong đó cần vai trò dẫn dắt định hướng tốt của tổng biên tập. Cái cuối cùng, đó là cơ chế, chính sách, tài chính cho báo chí giải pháp hiện nay vẫn mang tính quyết định", ông Phạm Mạnh Hùng nêu.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nhận định hiện nay ngoài báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo hay báo chí xây dựng cần cân bằng giữa thông tin xây dựng và phản biện đa chiều để tạo ra thông tin tích cực.

dien-dan-tong-bien-tap-bao-4-1726928411.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu kết thúc diễn đàn.

Ông Thủy cho biết, ông rất thích các phóng sự điều tra của các phóng viên phanh phui các tiêu cực. Các bài báo đó không chỉ phản ánh tiêu cực, mà còn tạo ra được giải pháp hay lối thoát, lý giải các bất cập một cách xây dựng để tạo ra thông tin tích cực cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng muốn tìm giải pháp cho BCTT, vấn đề quan trọng vẫn là yếu tố con người. Do đó, các tờ báo cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại phóng viên. "Muốn có giải pháp cho báo chí cần có giải pháp cho chính mình trước". Ông Lâm cho rằng báo chí giải pháp chính là phải chú trọng truyền thông chính sách, giảm bớt những thông tin tiêu cực, tác động xấu đến xã hội.

Kết luận diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng báo chí đang đứng trước sự phát triển tốc độ của công nghệ số, AI. Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương định hướng báo chí giải pháp nhằm tạo ra sự báo chí khác biệt, chuyên sâu, tránh sự nhàm chán đem đến cho người đọc./.

Bình Nguyên