Trí tuệ nhân tạo và báo chí bước chuyển từ "cuộc chiến sống còn" sang đồng hành phát triển

Ngành báo chí đã chứng kiến sự biến đổi to lớn do ảnh hưởng của công nghệ và môi trường truyền thông mới. Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhận tạo (AI) được vận dụng trong thông tin, truyền thông đã đẩy báo chí vào cuộc chiến "sống còn" thu hút độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí đã kịp thời bắt nhịp, nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, thực tế tăng cường và báo chí tự động, đồng thời tìm cách kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.
bao-chi-ai-3-1719365996.jpg
Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhận tạo (AI) được vận dụng trong thông tin, truyền thông đã đẩy báo chí vào cuộc chiến "sống còn" thu hút độc giả. (Ảnh minh họa)

Báo chí truyền thống "cạn dần" độc giả

Sự bùng nổ của các công cụ vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI), như “làn sóng” ChatGPT hiện nay. Báo cáo Đổi mới sáng tạo trong báo chí năm 2023 của Công ty tư vấn Innovation Media Consulting và FIPP nhận định: “Chúng ta sắp chứng kiến sự bùng nổ nội dung trực tuyến với quy mô không thể tưởng tượng nổi”.

Cũng theo báo cáo này, những công cụ như ChatGPT ngày càng thông minh hơn sau khi được “dạy” bằng lượng dữ liệu khổng lồ có thể thay thế vai trò giải đáp, cung cấp thông tin của báo chí. Điều đó có nghĩa là lượng truy cập vào báo điện tử, lượng người xem truyền hình… trở nên cạn dần, kéo giảm doanh thu quảng cáo.

Một rủi ro lớn khác mà báo chí Việt Nam đang đối diện đó là giao phó tất cả sản phẩm báo chí - “những đứa con tinh thần” cho các nền tảng số, nhất là các nền tảng mạng xã hội mà chính mình không làm chủ được công nghệ.

bao-chi-ai-2-1719366263.jpg
Các chuyên gia trong ngành báo chí trong một cuộc thảo luận những lợi ích và nguy cơ của AI đối với báo chí Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Thế giới đã chứng kiến nhiều tập đoàn truyền thông đổ triệu đô vào các dự án phát triển nội dung trên các trang mạng xã hội với tham vọng “hạ bệ” các cơ quan báo chí truyền thống. Thế nhưng, cũng theo báo cáo của Công ty tư vấn Innovation Media Consulting và FIPP, rất nhiều trong số họ thất bại hoặc phá sản, hoặc là sa thải nhân sự, thu hẹp hoạt động.

Ở VN, tác động của các xu thế báo chí có thể có độ chậm hơn so với các nước phát triển nhưng nếu báo chí mải mê chạy theo Google, YouTube, Facebook, TikTok mà không có chiến lược riêng phát triển website chính của mình, thất bại sẽ là nhãn tiền.

Báo chí Việt Nam đang bước vào một trận địa mới. Theo ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tin rằng, ứng dụng công nghệ là con đường duy nhất giúp các cơ quan báo chí trong nước thích ứng và tiếp tục phát triển với bối cảnh mới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành một phần gần như bắt buộc của các tòa soạn.

"Các tòa soạn ở Việt Nam sử dụng ít, nhưng theo thống kê mới nhất thì 75% tòa soạn trên thế giới đã sử dụng ít nhiều các công cụ trí tuệ nhân tạo", ông Minh nhấn mạnh.

AI có thể tham gia nhiều hoạt động nghiệp vụ báo chí

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khi nói đến trí tuệ nhân tạo nhiều người mới nghĩ đến câu chuyện máy móc viết bài thay cho con người. Nhưng trí tuệ nhân tạo bao hàm nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí ở rất nhiều cách thức từ rất lâu, và trong tương lai sẽ còn tiến hóa ở mức độ cao hơn nữa.

Có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như: tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ.

Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.

bao-chi-ai-1-1719366013.jpg
AI dù phát triển đến mức độ nào cũng không thay thế được con người, luôn phải có yếu tố con người trong các bước kiểm soát khi ra một sản phẩm báo chí. (Ảnh minh họa)

Trên thế giới, thời báo New York Times đã ứng dụng AI giúp cải thiện việc quản trị mục bình luận của độc giả, khi trước đó, 14 nhân viên thuộc đơn vị này phải duyệt tay khoảng 11.000 bình luận mỗi ngày.

Tờ The Washington Post còn phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo khác để xác định xem những bình luận nào của độc giả có chứa nội dung không phù hợp để xóa chúng đi mà không cần sự can thiệp của con người.

Tờ USA Today đã ứng dụng AI để sản xuất các video ngắn, rút gọn các bản tin thành một đoạn nội dung cô đọng rồi gắn kết với các hình ảnh hoặc các đoạn video, thậm chí có thể tự động bổ sung phần đọc lời bình với giọng phát thanh viên được lập trình sẵn.

Còn hãng thông tấn BBC đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp và trích xuất thông tin từ các nguồn tin tức trên Internet. Hệ thống này sẽ khai thác từ nhiều nguồn tin trên toàn cầu, sau đó tổng hợp và gắn thẻ cho các bài viết. Khi các phóng viên muốn tìm kiếm thông tin sẽ nhanh chóng có được bài viết mình cần.

Đại diện Hãng tin Reuters chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm ứng dụng AI trong hoạt động báo chí. Theo đó, trước tiên các cơ quan báo chí nên ứng dụng AI vào các khâu: gợi ý xu hướng, soát chính tả, trợ lý ảo tương tác với người dùng, sáng tạo ảnh minh họa, tổng hợp conten và một số khâu AI là thế mạnh mà không làm mất bản chất sự thực của báo chí .v.v. Đại diện Reuters khẳng định AI dù phát triển đến mức độ nào cũng không thay thế được con người, luôn phải có yếu tố con người trong các bước kiểm soát khi ra một sản phẩm báo chí. AI chỉ là công cụ để báo chí phát triển hơn trong tương lai.

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền và kêu gọi các cơ quan báo chí hưởng ứng, ứng dụng vào hoạt động quản trị tòa soạn, cũng như sản xuất các hình thức tin bài.

Theo Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trí tuệ nhân tạo và con người có sự bù trừ cho nhau. Trong đó, trí tuệ nhân tạo giải phóng con người khỏi những việc mệt mỏi, không hợp với họ.

"Cái gì phức tạp, cái gì nhiều số, nhiều quy định thì để cho máy làm và chắc chắn máy làm tốt hơn. Còn cái gì không có dữ liệu, ít thông tin thì để cho người làm. Quản lý Nhà nước hiện nay dùng công nghệ, phân tích dữ liệu là quan trọng", Bộ trưởng khẳng định./.

Trần Bình