Xu hướng ứng dụng tiêu chuẩn ESG trong phát triển bất động sản

Các công ty bất động sản toàn cầu thường nhắc đến việc trở thành một công ty “trung hòa carbon”, đạt được “net zero” hoặc áp dụng yếu tố ESG. Việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG trong phát triển bất động sản đang trở thành một xu hướng.

Carbon là một từ khóa được nhắc đến rất nhiều trong giai đoạn năm 2015, trong những cuộc họp nhỏ đến những sự kiện quy mô lớn, và Covid-19 đã khuếch đại tầm quan trọng của từ khóa này rộng khắp toàn cầu. Ở đại dịch Covid-19, khi số lượng nhân viên đến văn phòng ít hơn vô tình làm giảm đáng kể lượng khí thải phát ra từ các tòa nhà văn phòng, giúp nhiều doanh nghiệp đạt được các mục tiêu bền vững.

Tuy nhiên trong một Báo cáo gần đây của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng mục tiêu 2°C được đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, trước đó đã không còn đủ để bảo vệ hệ sinh thái và nền kinh tế khỏi những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

1-1679404683.jpg
Hiện nay, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tập trung nhiều vào bộ tiêu chuẩn ESG với các chỉ số về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định: “Những năm gần đây, các đô thị lớn của Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể về đô thị hóa, tuy nhiên mật độ xây dựng dày đặc của các dự án tòa nhà văn phòng, bán lẻ cũng như chung cư cao tầng đang chen chúc trên quỹ đất ngày càng co hẹp. Hiện tượng này cũng làm tăng mật độ dân số tập trung ở một khu vực, dẫn đến tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ mảng xanh so với đầu người giảm xuống rất thấp”.

Báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2020 cho biết, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người dân TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,55 m2/người. Theo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh để bảo đảm đủ không khí trong lành cho cuộc sống. “Không gian xanh công cộng sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi hoàn toàn nếu chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc tận dụng tối đa quỹ đất để xây dựng dự án mà không thực sự quan tâm đến việc tạo không gian sống xanh kết nối giữa các tòa nhà và các tiện ích công cộng khác. Các doanh nghiệp cần nhận ra việc giảm khí thải carbon vô cùng quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu, tuyển dụng và giữ chân nhân viên, đồng thời phục vụ khách hàng, cổ đông và các bên liên quan tốt hơn”, bà Trang Bùi chia sẻ thêm.

Một xu hướng hiện nay, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tập trung nhiều vào các chỉ số Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp theo bộ tiêu chuẩn ESG. ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, được viết tắt bởi Environmental (Môi trường: Phát thải carbon, quản lý nước và chất thải, nguồn cung nguyên liệu thô, tác động từ biến đổi khí hậu), Social (Xã hội: Sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, quản lý lao động, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng) và Governance (Quản trị doanh nghiệp: Quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ). Từ khi ra đời vào năm 2004, bộ tiêu chí này đã trở thành xu thế trong nhiều lĩnh vực. Các thuật ngữ hay khái niệm tương tự là đầu tư có trách nhiệm xã hội, đầu tư tác động, đầu tư có trách nhiệm hoặc bền vững.

Trong năm 2020, các nhà đầu tư từ Quỹ tương hỗ và Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã chi 288 tỷ USD vào các tài sản bất động sản ESG, tăng 96% so với 2019. Điều này được thúc đẩy bởi, vì các nhà đầu tư nhận ra rằng các công ty tập trung vào ESG và giảm lượng khí thải carbon sẽ mang lại cho họ những khoản đầu tư vượt trội hơn so với các công ty cùng ngành.

Với những thúc đẩy từ cộng đồng kinh doanh, số lượng các công ty cam kết giảm phát thải carbon đã tăng lên trong vài năm qua, thậm chí nhiều công ty đã dời mục tiêu sớm hơn vào năm 2030 so với thời gian ban đầu là năm 2050.

ESG và vấn đề “trung hòa Carbon” hoặc đạt mục tiêu “Net zero”
Trung hòa carbon là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình huống trong đó các công ty đã bù trừ hoặc cân bằng lượng carbon mà họ thải vào khí quyển thông qua việc giảm thiểu hoặc tiết kiệm lượng carbon tương đương ở những nơi khác. Mặt khác, “Net zero” có nghĩa là không có bất kỳ lượng carbon nào được tạo ra trong quá trình hoạt động của bất động sản, và điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đó cũng sẽ không tham gia vào những dự án chưa cam kết và có kế hoạch thực hiện ESG. Ngày nay, các thuật ngữ “trung hòa carbon”, “Net zero” hay ESG, bền vững thường được sử dụng như nhau.

Theo Cushman & Wakefield, đến năm 2050 sẽ có 6,6 tỷ m2 bất động sản thương mại trên 143 quốc gia. Và chi phí để khử carbon trên thị trường bất động sản toàn cầu ước tính vào khoảng 18 nghìn tỷ USD. Hầu hết các tổ chức đang nỗ lực để đạt mục tiêu giảm lượng khí thải, sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bù đắp mọi lượng khí thải còn lại.

Báo cáo về Tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (Enviromenatal, Social and Governance - viết tắt là ESG) về phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu bắt buộc hàng năm đối với các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, trở thành xu hướng của các doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong kinh doanh hiện đại. Phát triển bền vững trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng nhận diện những khó khăn nhất định và có những giải pháp để ESG thực sự mang lại lợi ích cho phát triển bền vững của doanh nghiệp.

ESG là một bộ tiêu chuẩn sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các chỉ số ESG là yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và báo cáo ESG được tích hợp và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ truyền tải thông điệp doanh nghiệp đang thực hiện các bước đi cần thiết để phát triển bền vững và sinh lời trong dài hạn. Theo Cushman & Wakefield, về cơ bản có 3 bước để đạt được mức phát thải ròng bằng 0:

+Đặt ra mục tiêu: Tính toán lượng khí thải carbon và các loại khí thải nhà kính khác do các hoạt động kinh doanh và vận hành bất động sản tạo ra.

+ Giảm lượng khí thải bất cứ khi nào, có thể thông qua tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ.

+ Cân bằng lượng khí thải còn lại thông qua việc đầu tư vào các dự án hoặc doanh nghiệp khác có hoạt động tái tạo môi trường (ví dụ: trồng rừng, phân loại rác thải), qua đó bù trừ với lượng carbon đã bị thải ra.

Vấn đề đo lường
Nhà đầu tư, nhân viên và các bên liên quan khác ngày càng quan tâm đến hoạt động môi trường của công ty. Và họ yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những tác động đối với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc tính toán lượng khí thải carbon của bất động sản là một bước cần thiết, nhưng làm thế nào để làm được điều này?

Các công ty muốn thể hiện cam kết đối với biến đổi khí hậu đang áp dụng Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên cở sở Khoa học (SBTi), nhằm đánh giá lượng khí thải carbon cần thiết để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5°C và 2° theo Hiệp định Khí hậu Paris. Nếu bất động sản không đi đúng hướng, SBTi sẽ thiết lập lại số lần cắt giảm carbon cần thiết mỗi năm.

Nhiều tổ chức cũng áp dụng phương pháp Khí nhà kính (GHG), một tiêu chuẩn quốc tế bắt đầu từ cuối những năm 1990. Ngoài ra, nhiều công ty đang chọn theo đuổi tiêu chuẩn của một bên thứ ba cho mục tiêu phát thải, và mua các khoản tín dụng năng lượng tái tạo (REC) được chứng nhận bằng Green-e.

Hành động

“Nếu mới bắt đầu hành trình ESG, đây là thời điểm tuyệt vời để học hỏi mọi tiêu chuẩn liên quan đến carbon và khí nhà kính. Tốt nhất là tìm đến những chuyên gia ESG để nhận được tư vấn và hướng dẫn chuẩn xác nhất. Nếu đã quan tâm từ lâu, doanh nghiệp cần tiến tới tiêu chuẩn SBTi và tìm kiếm chuyên gia để thực hiện ESG cho bất động sản”, ông Chris Carver - Giám đốc Điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam kiêm Giám đốc Định giá khu vực Đông Nam Á khuyến nghị.

“Trong hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Điều này cho thấy Chính phủ và các doanh nghiệp đều đang nỗ lực thay đổi cảnh quan đô thị bằng việc kết hợp công nghệ nhằm cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, việc hình thành những mảng xanh và địa điểm vui chơi công cộng chỉ mới bắt đầu, thành phố cần nhiều hơn sự tham gia từ người dân và nỗ lực từ phía Chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những lợi ích này sẽ mang lại nhiều sự thay đổi đáng kể trong tương lai, tạo ra cảnh quan và giúp môi trường sống của người dân đô thị ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Đối với những dự án bất động sản trong tương lai, nếu không sớm thiết lập ESG thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị đào thải”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.

Cùng với đó, Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên cở sở Khoa học (Science Based Target initiative - SBTi) đã ra mắt Tiêu chuẩn Phát thải Ròng bằng 0 (Net zero) là khuôn khổ và tiêu chuẩn hàng đầu duy nhất trên thế giới điều chỉnh các mục tiêu Net zero của doanh nghiệp phù hợp với khoa học khí hậu. Ở cấp độ quốc gia, việc đạt tới Net zero đòi hỏi phải giảm mạnh lượng khí thải từ hoạt động kinh doanh thông thường, với việc loại bỏ khí thải carbon trong khí quyển./.

Đạm Quang Lê