ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.
Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và hiệu suất quản trị của công ty khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao sẽ càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG.
Chia sẻ sâu hơn về ESG, tại Hội thảo Phát triển bền vững 2022: "ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022", ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng nhận định: Việc áp dụng các tiêu chí về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi những rủi ro thành động lực đổi mới, đồng thời tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội.
Đại diện từ UNDP còn cho rằng: Mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ tưởng như còn xa, nhưng thật ra chỉ còn 28 năm. Do đó, cần phải thực hiện ngay, không thể chậm trễ.
Trong điều kiện hạn chế về tài chính, nguồn lực, nhưng một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để tìm ra hướng đi thích hợp. Ông Patrick Haverman khuyên, tùy từng phạm vi hoạt động, năng lực cung ứng và điều kiện tài chính, doanh nghiệp có thể làm dần dần, làm từng hạng mục để dần đạt tới các mục tiêu đặt ra.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Tư vấn các chương trình ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ: "ESG không phải là một xu thế mà thực sự cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là hành trình lâu dài chứ không phải xu hướng ngắn hạn trong một vài năm. Dù khá mới mẻ, nhưng đã xuất hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam bước đầu đã đưa ra các tiêu chí để thực thi ESG.
Ông Nick Wood, Cố vấn cấp cao FTI Consulting cho biết thêm, sẽ không có dư địa cho các doanh nghiệp không tuân thủ, muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu, muốn thúc đẩy xuất khẩu thì chỉ có con đường tuân thủ và mỗi quốc gia sẽ có hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp trên hành trình thực hiện.
Cũng theo ông Nick Wood, cam kết về phát thải ròng bằng 0 đã đưa ra các tiêu chuẩn không dễ tuân thủ, vẫn cần thêm nhiều thời gian để cụ thể hóa mục tiêu này. Điều này là thực tế với cả các doanh nghiệp trên toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng khó mấy thì vẫn phải thực hiện. Bởi các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, EU đã đưa ra các quy định về quá trình sản xuất cụ thể với một số ngành hàng và yêu cầu nhà cung ứng phải tuân thủ.
Trên phương diện của cơ quan quản lý Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chuyên gia tăng trưởng xanh (Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, ESG là một cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và xa hơn là phát thải về 0 vào 2050.
ESG là một phiên bản cập nhật hơn của việc thực hiện trách nhiệm xã hội, của thực hành doanh nghiệp phát triển bền vững và cũng thực sự mới mẻ với Việt Nam. Do đây là vấn đề mới và khó, làm thế nào để dẫn dắt đi vào thực tế thì cần sự đồng thuận của các chủ thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.